Bầu trời Việt được đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng cũng đồng thời ngày càng khắc nghiệt hơn.

Trong công bố trên website của mình vào ngày 17/4, hãng bay AirAsia tuyên bố đã hủy kế hoạch thành lập liên doanh bay tại Việt Nam. "Chúng tôi muốn thông báo rằng, công ty con AirAsia Investment, Gumin và Hải Âu đã đồng ý chấm dứt và giải phóng mọi nghĩa vụ có liên quan đến thoả thuận thành lập liên doanh tại Việt Nam”, thông cáo của Air Asia viết.

Tuyên bố bất ngờ này đi ngược với những diễn biến có vẻ như thuận lợi với cả hai bên. Trước đó, Tony Fernandes, ông chủ hãng bay giá rẻ Malaysia rất tự tin vào khả năng thành công tại Việt Nam. Hãng đã lên kế hoạch phát triển nhanh nhất với số lượng máy bay nhiều nhất có thể. Hai bên cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng hãng hàng không mới ở Việt Nam tại Diễn đàn Du lịch cấp cao hồi cuối năm ngoái.

{keywords}
 Tony Fernades, ông chủ của hãng AirAsia ký biên bản ghi nhớ với ông Trần Trọng Kiên, sáng lập Thiên Minh Group và Gumin.

Trên thực tế, thành lập một liên doanh nội địa ở Việt Nam là giấc mơ từ nhiều năm nay của AirAsia. Tất cả đều đi theo mô hình hàng không giá rẻ, là mô hình tạo nên tên tuổi của AirAsia trên thị trường quốc tế.

Dù vậy, hãng bay Malaysia này trước đó đã bắt tay “hụt” đến 3 lần. Ở thời điểm 2005, AirAsia nhắm đến việc tái cấu trúc hãng hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific - công ty con của Vietnam Airlines). Sau đó là những thỏa thuận không thành công với Vinashin và Vietjet Air.

Tuy nhiên, hãng bay này khẳng định thị trường hàng không Việt vẫn hấp dẫn. “Công ty vẫn quan tâm đến việc điều hành một hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam do vị trí địa lý thuận lợi, mở rộng thị trường hàng không và tiềm năng tăng trưởng chung”, thông cáo viết.

Bên cạnh tham vọng thành lập liên doanh hàng không giá rẻ, AirAsia cũng liên tục mở đường bay kết nối các thành phố lớn của Việt Nam đến các nước Đông Nam Á. Tính đến nay, AirAsia có 15 đường bay thẳng, kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc, Cần Thơ đến 6 điểm đến tại Malaysia, Thái Lan và Philippines.

{keywords}
 Hãng AirAsia bất ngờ hủy thương vụ hợp tác với Gumin

Ngoài thương vụ của Asia và Gumin, nhiều nhà đầu tư trong nước khác cũng muốn bay trên bầu trời Việt. Như hãng Bamboo Airways chính thức bay từ đầu năm 2019, trong khi Công ty Vietravel đang xúc tiến đề án thành lập Vietravel Airlines, dự kiến đặt trụ sở tại Huế.

Vietravel hoạt động trong mảng du lịch, tương tự như Thiên Minh, công ty mẹ của Gumin vừa bắt tay “hụt” với AirAsia.  Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, các công ty du lịch quốc tế đều có mảng vận chuyển để cung cấp luôn cho khách hàng của mình.

"Các công ty du lịch lớn ở nước ngoài đều định hướng hoàn thiện hệ sinh thái của mình bao gồm cả vận chuyển. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một hãng hàng không nước ngoài có 127 chiếc máy bay và được phép bay ở thị trường nội địa Việt Nam? Do đó, chúng tôi cũng nằm trong xu hướng này, bằng việc có kế hoạch mở hãng hàng không, hoàn thiện hệ sinh thái để tận dụng tối đa nguồn lực của mình”, ông Kỳ chia sẻ.

Hiện nay, trên thị trường có các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways đang vận hành. Năm 2018, tổng thị trường vận chuyển nội địa Việt Nam đạt 63,4 triệu lượt khách, tăng trưởng 12%, trong đó khách nội địa tăng 6,9%, còn khách quốc tế tăng 19,4%.

Báo cáo tài chính năm 2018 (đã kiểm toán) của Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 97.589 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận trước thuế đạt 3.311 tỷ đồng, tăng gần 5%. Trong khi đó, doanh thu Vietjet Air đạt 53.577 tỷ đồng, tăng 26,6%, còn lợi nhuận trước thuế đạt 5.816 tỷ đồng, tăng 9,7%.

{keywords}
Thị phần hàng không sẽ tiếp tục thay đổi trong thời gian tới khi có thêm nhiều nhà đầu tư

Năm 2018, các hãng hàng không trải qua chu kỳ khó khăn khi giá nhiên liệu tăng cao, thị trường quốc tế bất ổn với nhiều sự kiện lớn về kinh tế lẫn chính trị. Mặc dù tình hình đã khá hơn vào quý cuối của năm, nhưng giá nhiên liệu và chênh lệch tỷ giá tiếp tục sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các hãng. Một rủi ro khác còn đến từ phí sân bay cao hơn, đang được nâng lên ở nhiều thị trường lớn.

Trong bối cảnh thị trường hàng không ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn, các hãng phải thay đổi chiến lược, liên tục tăng quy mô đội bay và mở đường bay mới.

Hàng không quốc gia Việt Nam cho hay hãng đi theo con đường “thương hiệu kép” khi Vietnam Airlines chọn mô hình hãng bay truyền thống, cung cấp đầy đủ dịch vụ, còn hãng bay “con” là Jetstar Pacific thì theo mô hình hàng không giá rẻ. Vietjet Air hay Bamboo Airways mới đây thì gọi mình là hàng không thế hệ mới, chứ không còn là “giá rẻ” đơn thuần.

Theo nhận định của Trung tâm Hàng không châu Á – Thái Bình Dương (CAPA), các hãng hàng không hiện nay sẽ phải chấp nhận giảm lợi nhuận để lấy khách trong bối cảnh quy mô đội tàu bay ngày càng tăng lên. “Tăng trưởng sẽ tiếp tục khi thị trường tăng công suất. Việc giữ cho chi phí thấp sẽ là ưu tiên lớn nhất của các hãng”, báo cáo CAPA kết luận.

Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) cho biết giai đoạn 2014-2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Dự báo tới năm 2035, con số tăng trưởng bình quân sẽ là 14%, là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân chủ yếu là nhờ bối cảnh ngành hàng không thế giới phục hồi, trong khi Việt Nam nằm trong khu vực hàng không năng động của châu Á Thái Bình Dương (chiếm 33% thị phần vận tải hành khách và 37% thị phần vận tải hàng hóa của thế giới), hoạt động đầu tư dòng vốn FDI và du lịch vẫn đang tăng trưởng mạnh.

Dũng Nguyễn

100 triệu dân Việt: 7-8 hãng hàng không chưa gọi là nhiều

100 triệu dân Việt: 7-8 hãng hàng không chưa gọi là nhiều

Ngành vận tải hàng không còn dư địa tăng trưởng khi dân số Việt Nam sắp đạt ngưỡng 100 triệu người, còn thực tế tại Việt Nam mới có 3 hãng hàng không. Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam có 7-8 hãng bay là bình thường.