Theo tin từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex vừa mua vào 27 triệu cổ phiếu Viglacera (VGC), tương ứng tỷ lệ 6,02%. Đây là công ty con thuộc sở hữu của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam - Gelex (GEX) do ông Nguyễn Văn Tuấn làm chủ tịch.

Trong khi đó, Gelex đang nắm giữ hơn 16,9 triệu cổ phần VGC (tương đương 3,78%).

Như vậy, sau giao dịch, nhóm Gelex (bao gồm công ty mẹ và công ty con) nắm giữ tổng cộng gần 44 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,8% cổ phần Viglacera.

Số lượng cổ phiếu VGC mà Thiết bị điện Gelex bằng đúng số lượng cổ phiếu cổ đông ngoại Dragon Capital của Viglacera đã bán ở mức giá 20.000 đồng/cp. Như vậy, gần như chắc chắn Dragon Capital đã bán ra cho nhóm cổ đông Gelex, với tổng giá trị giao dịch gần 900 tỷ đồng. 

{keywords}
Thiết bị điện Gelex mua cổ phiếu Viglacera.

Với thương vụ mua cổ phần này, Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn được xem là ứng cử viên số một trong thương vụ Bộ Xây dựng thoái vốn tại Viglacera sắp tới. Theo phương án vừa được phê duyệt, Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn giai đoạn 1 với số lượng 80,58 triệu cổ phần (tương ứng 17,97% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 23.000 đồng/cổ phần.

Nếu thoái vốn thành công, Bộ Xây dựng sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ từ 241,98 triệu cổ phần (tương ứng 53,97% vốn điều lệ) xuống còn 161,41 triệu cổ phần (tương ứng 36% vốn điều lệ) tại doanh nghiệp đầu ngành về lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng này.

Nếu Gelex mua trọn lô cổ phần VGC từ Bộ Xây dựng, ông lớn số một ngành thiết bị điện tại Việt Nam này sẽ phải bỏ ra khoảng 1,85 ngàn tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối 2015, nhóm đại gia kín tiếng đã gây chấn động thị trường chứng khoán với một cú mua trọn hơn 122 triệu cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam - Gelex (tương đương hơn 78,7% vốn điều lệ) trị giá hơn 2 ngàn tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn chứng khoán UPCOM trong vòng 30 phút sau mở cửa phiên giao dịch ngày 25/12. Đây là số phần mà Bộ Công thương thoái vốn.

Hơn 2 năm sau đó, đầu 2018, giới đầu tư biết đến ông chủ trẻ tuổi kín tiếng đằng sau thương vụ ngàn tỷ chấn động. Ngày 3/1/2018, HĐQT Gelex đã có quyết định bầu ông Nguyễn Văn Tuấn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty. Mặc dù là chủ tịch nhưng ông Tuấn không sở hữu 1 cổ phiếu nào của Gelex. 

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Tuấn.

Gelex được biết đến là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực dây và cáp điện tại Việt Nam với những doanh nghiệp con nổi tiếng như Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Vinakip... nhưng đang mở rộng thêm sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng khác, trong đó có hạ tầng, logistics, bất động sản và đầu tư thâu qua M&A. Trong đó, công nghiệp là lĩnh vực truyền thống và là thế mạnh của Gelex, chiếm khoảng 70% doanh số.

Trong vài năm gần đây, Gelex từng bước nâng tỷ lệ sở hữu ở các công ty con như Cadivi, Thibidi, Sotrans, Vihem...

Đây cũng là ông chủ của một loạt tài sản rất có giá trị, như Khách sạn Melia (HEM nắm 35%); dự án trụ sở Gelex 52 Lê Đại Hành (Hà Nội), dự án 2,2 ngàn tỷ đồng tại số 10 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội),...

Sau khi cổ phần hóa và niêm yết thành công, Gelex đã đẩy mạnh sang lĩnh vực hạ tầng, bao gồm sản xuất điện và sản xuất, kinh doanh nước sạch. 

{keywords}
Nâng tỷ lệ sở hữu tại HEM.

Gần đây, hồi giữa tháng 2/2019, Gelex thông qua công ty con (sở hữu 100% vốn) Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex, đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM - Upcom) từ 66,16% lên thành 76,11% sau khi mua thêm 3,6 triệu cổ phần HEM, qua đó nắm quyền chi phối mọi quyết định tại doanh nghiệp đang sở hữu khách sạn Melia.

Trong khi đó, HEM vừa thông qua nghị quyết bơm hơn 200 tỷ đồng mua trái phiếu của Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex. 

Về hoạt động kinh doanh, Gelex là một trong khoảng 40 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có lợi nhuận ngàn tỷ trong năm 2018. Doanh thu đạt trên 10 ngàn tỷ đồng.

{keywords}
HEM mua trái phiếu Năng lượng Gelex.

H. Tú