Nếu những tổ chức, cá nhân có tên trong hồ sơ này thực chất làm ăn  minh bạch, đàng hoàng thì cần nói rõ để công luận biết. Ngược lại, người nào có tên trong hồ sơ mà vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Đừng để mỗi lần những hồ sơ 'thiên đường thuế' được bung ra gây chấn động như 'bom tấn' trên toàn cầu nhưng rồi nhanh chóng bị quên lãng ở Việt Nam.

Panama hay Paradise được gắn một cái tên mỹ miều “thiên đường thuế”. Việc mở một công ty ở thiên đường về thuế như Panama hay Paradise, doanh nghiệp sẽ có những lợi ích là tránh được một nghĩa vụ thuế rất lớn mà đáng lẽ những doanh nghiệp này phải nộp cho các chính phủ. Đáng nói, điều này là hợp pháp.

Chẳng hạn, thay vì 100 đồng lợi nhuận kiếm được ở Việt Nam, doanh nghiệp sẽ phải nộp 20 đồng thuế; nếu 100 đồng đó phát sinh ở Panama hay Paradise thì họ chẳng phải nộp đồng thuế thu nhập nào, hoặc nếu có thì rất ít.

Điều đó phần nào giải thích cho lý do vì sao nhiều tổ chức hiện diện ở Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama hay Paradise.

Thực tế, hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho thấy, dòng vốn từ quần đảo BritishVirgin Islands - cũng là một “thiên đường thuế” - thường thuộc top 5 đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Điều đó có nghĩa, rất nhiều nhà đầu tư đã chọn cách thành lập công ty ở BritishVirgin Islands để đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi thuế.

{keywords}

Không ít chuyên gia đã nhận định, với một đất nước vẫn chủ yếu dùng tiền mặt như Việt Nam, thì việc có dòng tiền chạy ra nước ngoài lách thuế, hay gửi ở các “thiên đường thuế”, cũng nhiều khả năng xảy ra hơn và mức độ kiểm soát cũng khó hơn.

Việt Nam có Pháp lệnh Ngoại hối với quy định rằng, mỗi tổ chức, cá nhân khi chuyển tiền ra nước ngoài, thực hiện các giao dịch thì đều phải công bố công khai nguồn gốc luồng tiền, rồi phải xin phép,... Sau khi cơ quan Nhà nước cho phép thì cá nhân, tổ chức đó mới được phép thực hiện các giao dịch đó.

Nhưng những “lỗ hổng” có thể vẫn được giới nhiều tiền lợi dụng để chuyển tiền ra nước ngoài bằng con đường “tiểu ngạch” khác.

Một lý do đặc biệt khác khiến các hồ sơ Panama, Paradise gây chấn động thế giới bởi “thiên đường thuế” này không chỉ là "thiên đường" tránh thuế cho các tập đoàn xuyên quốc gia mà còn là "thiên đường" rửa tiền và cất giấu tài sản bất chính, đặc biệt từ tham nhũng.

Chính vì vậy, dù không có nhiều bằng chứng cho thấy các chính trị gia trên thế giới có tên trong hồ sơ này là tham nhũng, cất giấu tiền bẩn thì nhiều người cũng đã phải rời ghế vì uy tín sứt mẻ.

Mang theo “sứ mệnh” giúp rửa tiền, cất giấu tiền bất chính nên các “thiên đường thuế” này kiêm luôn việc giấu tên đổi họ cho nhiều người với mức độ bảo mật cao. Đó có thể là lí do khiến việc điều tra danh tính xuất hiện trong các hồ sơ này chả dễ dàng gì. Nhiều phóng viên lần theo các địa chỉ trong đó thì thấy toàn là địa chỉ ảo. Ngay cả Tổng cục Thuế sau cả năm rà soát điều tra thì vẫn chưa ra được kết luận gì.

Vẫn biết rằng rất khó để tìm ra chân tướng, cũng không thể cào bằng tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ này đều là “đen” cả, nhưng các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng cần phải vào cuộc.

Bởi nếu những tổ chức, cá nhân có tên trong hồ sơ này thực chất làm ăn  minh bạch, đàng hoàng thì phải nói rõ cho công luận biết. Ngược lại, người nào có tên trong hồ sơ mà vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thế mới giải tỏa được mối nghi ngờ của công luận khi Paradise chưa chắc đã là hồ sơ bom tấn cuối cùng. Sau Panama thì Paradise xuất hiện, vậy sau Paradise sẽ là gì? Do đó, điều tra và công bố rõ ràng, thay vì lặng lẽ khép lại là điều các cơ quan chức năng cần phải làm.

Lương Bằng