Dẫn tôi ra khu lăng mộ hoành tráng trị giá hơn 10 tỷ đồng ở vùng sa mạc cát hoang vắng, ông Võ Phước Sỹ bảo làm để báo hiếu cha mẹ, chứ không phải chơi trội.

Lăng mộ hoành tráng trên đồi cát

Theo chỉ dẫn từ trước, chúng tôi chạy xe dọc Quốc lộ 1A, đến xã Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) thì rẽ vào tuyến đường tránh lũ, đi thêm 3km nữa là gặp hai khu lăng mộ nổi tiếng, tọa lạc trên hai đồi cát rộng khoảng 1ha ở thôn Đấu Tranh. Chủ nhân là ông Võ Phước Sỹ (SN 1967, người xã Hưng Thủy), Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phước Sỹ.

Khu bên phía tay phải thờ cụ bà Nguyễn Thị Dào, xây năm 2011, hoàn thành năm 2014; đối diện bên kia là khu lăng mộ thờ cụ ông Võ Phước Dung, xây năm 2012, hoàn thành năm 2014. Ông Sỹ cho biết tổng kinh phí làm hai lăng hết 10 tỷ đồng, với ý nghĩa ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Suốt gần 4 năm, hàng ngày ông Sỹ dậy từ 4 giờ sáng lên mộ làm việc, đến gần 9 giờ tối mới về nhà.

{keywords}

Lăng mộ thờ mẹ ông Sỹ

Ông Sỹ tự hào cho biết, cả hai lăng mộ đều nằm ở vị trí đẹp. Khu lăng mộ cụ ông có dòng suối nhỏ chạy qua, uốn lượn tựa thế rồng, phía trước là tượng Đức Phật lớn. Để thực hiện, ông Sỹ phải vào tận Kiên Giang thuê thợ giỏi về làm trong 3 tháng. Ông cho dựng tượng Phật vì lúc sinh thời, cụ ông thờ Phật, đồng thời cũng muốn nhắc nhở con cháu ghi nhớ và làm theo các giáo lý của đạo này.

Các khu lăng mộ được xây theo lối kiến trúc Á Đông, vật liệu chủ yếu là xi-măng cốt thép... Nổi bật là nhiều thế rồng uy nghi, do những người thợ giỏi ở Huế tạo nên. Cổng vào lăng mộ thờ người mẹ có tạc dòng Nghĩa Vi Tiên và Ân Hải Đại với ý nghĩa tấm lòng, công ơn mẹ lớn như biển cả; còn lăng của cha gắn các chữ Phước Trường Tồn và Đức Lưu Quang nghĩa là phước đức của cha mãi trường tồn, soi sáng. “Tôi xây lăng mộ không phải để phô trương, cũng chẳng phải nhằm đạt danh hiệu gì mà để báo hiếu song thân. Ngày xưa cha mẹ tôi nghèo, khổ sở nuôi 4 anh em. Giờ mọi người đều thành đạt, có điều kiện nên báo hiếu”, ông Sỹ chia sẻ.

Sau khi hai lăng mộ trên hoàn thành thì có dự án đường tránh lũ Quốc lộ 1A đi qua, vì thế hai khu lăng mộ được rất nhiều người đi đường dừng chân thăm viếng. Nhiều người tỏ lòng kính trọng dâng lên những nén hương thơm đối với người đã khuất. Nơi này đều được bố trí bàn ghế để người dân, khách qua đường ngồi chơi, uống nước và ngắm quang cảnh. Người dân địa phương cũng thường ra đây nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt nhọc, đi bộ, tập thể dục...

Đại gia mê làm từ thiện

Không chỉ xây lăng mộ báo hiếu cha mẹ, ông Sỹ còn bỏ ra gần 1,5 tỷ đồng làm con đường bê-tông cốt thép dài hơn 1km, giúp bà con thuận lợi trong việc ma chay, thăm mồ mả. Trước đây việc đưa người qua đời đến nghĩa địa gặp không ít khó khăn thì nay ông tài trợ chiếc xe tang để người dân đỡ vất vả.

{keywords}

Khu lăng mộ thờ cha ông Sỹ

Đi khắp Lệ Thủy, đến đâu tôi cũng nghe người dân nói về ông Sỹ. “Sinh ra trong nghèo khổ nhưng Sỹ rất chịu khó học hành. Sau khi đi bộ đội, xuất ngũ về mở công ty xây dựng. Khi đã có của ăn của để vẫn chăm chỉ làm việc, sống hòa nhã, thân thiện, hết lòng với bà con quê hương. Đặc biệt Sỹ hay giúp đỡ những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn”, ông Phạm Văn Thành - công an viên thôn Đấu Tranh - cho biết.

Hàng năm, ông Sỹ dành khoảng 300 - 500 triệu đồng tặng quà, xây nhà cho người nghèo, trẻ em miền núi, người khuyết tật. Tết Trung thu năm ngoái, Công ty Phước Sỹ tặng 100 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó và 200 phần quà cho trẻ em nghèo dân tộc Bru Vân Kiều ở miền núi huyện Lệ Thủy.

Ở địa phương, ông Sỹ còn tài trợ tiền xây các công trình dân sinh, đóng góp quỹ an sinh xã hội. Cụ Nguyễn Tấn Phước (78 tuổi, trú thôn Đấu Tranh) kể: “Hai năm trước, Sỹ bỏ ra hàng trăm triệu giúp tu sửa miếu thờ của thôn. Sau đó công ty của Sỹ còn tổ chức chương trình ca nhạc “Tôi hát cho dân tôi nghe” đúng dịp kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc khánh 2-9 và Tết Trung thu”. Các ca sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Anh Thơ và nghệ sĩ ở Hà Nội, Sài Gòn được mời về biểu diễn cho bà con thưởng thức miễn phí”.

Trong buổi tổng kết 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” vào năm 2015, ông Võ Phước Sỹ được UBMTTQ tỉnh Quảng Bình biểu dương do đã tích cực tham gia đóng góp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Việc xây lăng mộ báo hiếu mẹ cha tùy vào điều kiện mỗi người, nhưng những đóng góp không nhỏ đối với làng xóm, quê hương của ông Sỹ thật đáng trân trọng.

(Theo CA TP.HCM)