Ngày 12/10, Trường ĐH Thương mại tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo trình độ đại học.

Nhà trường đã mời các giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia phát triển chương trình đào tạo và đảm bảo chất lượng giáo dục; đại diện hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp hợp tác đào tạo.

pgs nguyen hoang viet.JPG
GS.TS Nguyễn Hoàng Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Thanh Hùng.

GS.TS Nguyễn Hoàng Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cho hay, yêu cầu về mặt tuyển dụng nhân lực trong bối cảnh hiện nay đã cao hơn rất nhiều (về kiến thức, bằng cấp, các chứng chỉ, kỹ năng mềm,...). Do đó tân cử nhân ra trường phải cạnh tranh mạnh với người lao động có kinh nghiệm.

Chưa kể, các doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi cao về các kỹ năng mới liên quan đến công nghệ, như: sử dụng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động về kinh doanh và quản lý; các kỹ năng mềm liên quan đến phân tích dữ liệu lớn,...

“Phía doanh nghiệp phản hồi rằng giờ đây sử dụng excel là không đủ, bởi quy mô dữ liệu quá lớn. Thay vào đó, đòi hỏi phải vận dụng các phần mềm về phân tích Big Data. Các nhà tuyển dụng luôn đánh giá ứng viên có kinh nghiệm, trải nghiệm thực tiễn nào. Chính vì vậy, ban lãnh đạo cùng các giảng viên, nhà khoa học chuyên môn rất quyết tâm trong việc bản thân cũng phải thay đổi quan điểm về tư duy xây dựng và phát triển chương trình đào tạo”, ông Việt nói.

“Chúng tôi xác định không thể chỉ dạy những gì nhà trường, thầy cô có. Cần đặt trọng tâm vào việc người lao động, đơn vị sử dụng lao động cần điều gì và cần đến mức độ nào. Hay nói cách khác, đào tạo nhân lực chất lượng cao không phải cứ “nhồi” cho các em thật nhiều kiến thức và kỹ năng, mà quan trọng hơn là có thể tạo ra được những 'sản phẩm' đáp ứng, phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp”, ông Việt nói. 

Ông Việt dẫn chứng, các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế của trường mới đây được thiết kế, xây dựng, phát triển nổi bật là tính thực tiễn.

Để giải quyết đòi hỏi của doanh nghiệp về kinh nghiệm cho sinh viên và tân cử nhân, trong suốt quá trình nghiên cứu và phát triển chương trình đào tạo, các hội đồng của trường đã khảo sát, lấy ý kiến, trao đổi với chuyên gia, nhà khoa học để có những góp ý sát và thực tiễn nhất về mục tiêu, khung chương trình, các học phần,... Nhà trường cũng dành trung bình 15-20% tổng thời lượng chương trình cho hoạt động thực tiễn và điều này được điều chỉnh linh hoạt ngay từ năm thứ hai. 

"Trước đây, theo các chương trình đào tạo chuẩn, thường đến cuối năm thứ ba hoặc đến năm thứ tư, sinh viên mới đi thực tập. Mà đến cũng chỉ 3-4 tuần, chào hỏi, pha nước rồi xin số liệu. Giờ đây, từ năm thứ hai, sinh viên của trường bắt đầu trải nghiệm thực tập thông qua việc gửi các nhóm ra và triển khai các dự án tại các doanh nghiệp, mô hình hoạt động phù hợp với lĩnh vực, chuyên ngành đào tạo của các em. 

Chúng tôi không đặt nặng việc cứ phải dạy thật nhiều tín chỉ thì sinh viên mới đạt loại giỏi, mới ra được trường. Những học phần ở khối kiến thức chuyên ngành phải tập trung 'trúng' và 'đúng' với yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Việt nói.

pgs nguyễn hoàng.JPG
PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại. Ảnh: Thanh Hùng.

PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cho hay, hội thảo hôm nay là diễn đàn để nhà trường trao đổi, lắng nghe đại diện các bên liên quan chia sẻ về các yêu cầu kiến thức, kĩ năng chuyên môn và phẩm chất nghề nghiệp cần thiết nhằm phục vụ xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo. Đây cũng là dịp gặp gỡ trao đổi kế hoạch hợp tác của các khoa, viện quản lý chuyên ngành với doanh nghiệp đối tác trong việc triển khai các học phần thực hành, thực tế, thực tập.

Năm học 2024-2025, Trường ĐH Thương mại phát triển thêm 7 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, gồm: Quản trị thương hiệu (ngành Marketing); Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICAEW CFAB) (ngành Kiểm toán); Kinh tế và Quản lý đầu tư (ngành Kinh tế); Luật kinh doanh (ngành Luật kinh tế); Thương mại điện tử (ngành Thương mại điện tử); Quản trị Hệ thống thông tin (ngành Hệ thống thông tin quản lý); Tiếng Trung thương mại (ngành Ngôn ngữ Trung Quốc).

Các chương trình đào tạo này sẽ được đưa vào tuyển sinh mới từ năm 2025.