“Chiến tranh qua đi, người dân Việt lại trở về bản chất hiền lành, sống đời bình an, đúng như câu thơ của Nguyễn Đình Thi: 'Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa', đó chính là nhờ ngấm tinh thần nhân văn của văn chương", Đại tá Nguyễn Bình Phương nói.
Lời tòa soạn
Các nhà văn, nhà thơ quân đội là một binh chủng đặc biệt tham gia vào những cuộc chiến lịch sử của dân tộc. Nhiều người trực tiếp vừa cầm súng vừa cầm bút với nhiệt huyết sôi sục và trái tim nóng hổi. Cội nguồn văn hóa dân tộc và những trải nghiệm chân thực của các văn nghệ sĩ mặc áo lính đã hun đúc lên nhiều tác phẩm nghệ thuật kịp thời động viên tinh thần chiến sĩ, góp phần làm nên chiến thắng và giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ sau.
VietNamNet xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết về một số nhà văn quân đội cùng câu chuyện xúc động về cuộc đời người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Tôi hẹn gặp nhà văn Nguyễn Bình Phương trong những ngày anh tất bật đi nhận Giải thưởng nhà văn Đông Nam Á 2022 rồi đến Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7. Không nói nhiều về các giải thưởng, anh khiêm nhường chia sẻ về chuyện văn, chuyện đời, chuyện người với chất giọng nhỏ nhẹ và nụ cười ẩn hiện trong đôi mắt rất hiền - khác biệt với nhiều nhân vật dữ dội đã ghi dấu ấn với độc giả.
“Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”
- Trong những giai đoạn chiến tranh nhiều đau thương, mất mát của dân tộc, văn chương có ý nghĩa và sức mạnh như thế nào, thưa anh?
Đối với dân tộc Việt Nam, văn chương được coi như là một thứ vũ khí đặc biệt về tinh thần. Nhìn lại từ khởi đầu dựng nước, đến tận bây giờ, văn chương luôn đóng vai trò quan trọng, nó tạo sức mạnh cho mỗi cá nhân, tạo ra sự đoàn kết cộng đồng, nó nuôi dưỡng khát vọng tự do, độc lập cho dân tộc.
Lịch sử sự kiện cũng như lịch sử tâm hồn của dân tộc ta, một phần quan trọng được lưu giữ qua các tác phẩm văn học. Nói cách khác, văn học chính là ký ức bền vững của người Việt.
Cụ thể hơn, trong chiến tranh, con người vượt qua được đạn bom, chết chóc, vượt qua được nỗi mông lung vô định cũng một phần vin vào văn học. Không chỉ dừng lại ở chỗ tạo sức mạnh cho con người, mà sâu xa hơn, văn học góp phần giữ cho họ không bị sa vào thú tính. Một dân tộc phải chiến đấu ròng rã, liên miên suốt thế kỷ 20 mà không mất đi nhân tính là do văn chương nuôi dưỡng bền bỉ.
Chiến tranh qua đi, người dân Việt lại trở về bản chất hiền lành, sống đời bình an, như câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Giữ được cái “hiền như xưa” ấy chính là nhờ ngấm tinh thần nhân văn của văn chương. Cái ý nghĩa sâu xa này của văn học có giá trị rất lớn với người chiến sĩ. Cụ thể, nó tăng thêm sức mạnh cho họ, lạc quan hơn và giữ cho họ không bị phi nhân tính giữa hoàn cảnh tàn khốc.
- Đến thời đại xây dựng và phát triển đất nước, văn học tiếp tục phát huy vai trò của mình như thế nào?
Sau chiến tranh, đất nước bước vào thời kỳ đầy khó khăn, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, chính sách chưa hẳn đã chuẩn xác, tình trạng ngăn sông cấm chợ khiến mọi thứ eo hẹp hơn. Trong chiến tranh, người ta có thể quên đói để chiến đấu, nhưng khi trở về đời thường, mới nhận ra mình nghèo, mình đói đến nhường nào. Vậy tại sao trong hoàn cảnh khốn khó, bí bách đó con người không phẫn nộ mà vẫn nhẫn nại vượt qua được? Chính là nhờ văn học gieo vào lòng họ sự lạc quan và niềm tin mãnh liệt rằng ngày mai sẽ khác!
- Với các nhà văn khoác áo lính, lối sống kỷ luật theo khuôn khổ có tác động đến quá trình sáng tạo?
Vừa có vừa không. Cái có thì cũng chừng mực nào đó thôi, còn cái không thì dường như cũng rộng hơn. Các thế hệ nhà văn quân đội bao giờ cũng giữ được cái cốt cách nhất định, khó bị lung lạc, ngả nghiêng. Vì thế, ta thấy có Chính Hữu, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Thu Bồn, Hữu Thỉnh… có cả những Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyên Ngọc, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu...
Đội ngũ nhà văn quân đội hiện nay, so với các thế hệ thời chống Pháp, chống Mỹ có thể không hùng mạnh nhưng vẫn có những tia sáng lấp lánh của niềm tin vào đội ngũ nhà văn trẻ, những người sẽ tiếp nối và kế thừa một truyền thống rất oai hùng.
- Cùng thể hiện các vấn đề của thời cuộc vào trong những tác phẩm nhưng giữa báo chí và văn học có sự khác biệt cơ bản, anh có đồng tình với quan điểm đó?
Người ta vẫn nói văn học là sự nghiền ngẫm hiện thực, tức là phải có độ lùi và sự tĩnh lại. Với báo chí, cái "cập nhật" là thông tin, còn với văn học, cái "cập nhật" lại mang tính chất khác, là sự chiêm nghiệm về một thời đại. Nếu “thời sự" của báo chí nằm ở khoảng thời gian một ngày, vài ngày, hoặc vài tuần thì với nhà văn, vấn đề “thời sự” có thể kéo dài đến hàng vài năm, thậm chí cả giai đoạn hàng chục năm.
Chính độ lùi này tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa văn học và báo chí. Văn học cho phép một cái nhìn toàn diện hơn, với những đề tài không chỉ rộng mà còn sâu hơn rất nhiều.
"Tôi nhạy cảm và dễ bị tổn thương"
- Anh có xu hướng khai thác về nhân vật phản diện và thể hiện cái ác trong văn học, có lý do đặc biệt nào dẫn đến sự lựa chọn này không?
Văn học khi viết về cái ác không có nghĩa là cổ vũ cho điều đó. Tôi viết về sự bế tắc, nhưng không có nghĩa là tác phẩm của tôi bế tắc. Khi viết, tôi luôn mong người đọc cảm nhận được niềm hy vọng được gửi gắm len lỏi trong từng câu chữ hay chi tiết. Tóm lại, dù câu chuyện viết về bi kịch, về tăm tối, hay về cái ác, điều quan trọng nằm ở tinh thần ẩn chứa trong đó. Bao thế hệ cùng đọc một tác phẩm bi kịch như Romeo và Juliet, nhưng nhân loại vẫn sống tốt vì họ rút ra được bài học lạc quan từ đó.
- Các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương đầy rẫy tội ác và văn phong cũng được nhận xét là lạnh lùng, khó hiểu. Nhưng qua cuộc trò chuyện này, tôi thấy con người đời thật của anh rất khác… Có gì mâu thuẫn?
Nhà văn là người nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên họ mới sáng tác và đó là tố chất của nghệ sĩ. Không nhạy cảm thì việc gì phải quan tâm đến những bi kịch xung quanh, việc gì phải bận tâm tới một vụ xử tử hình nào đó. Tôi nghĩ làm nhà văn là khổ sở vì đồng loại, luôn luôn khổ sở vì đồng loại. Cũng cực nhọc lắm chứ! Nhưng nếu như vượt qua được sự khổ sở ấy, không bận tâm nữa, liệu có còn là nhà văn theo đúng nghĩa nữa không? Vì thế, tôi nghĩ nếu xét cho tới tận cùng, không có gì mâu thuẫn giữa tác giả với tác phẩm cả.
- Nguyễn Bình Phương thường viết vì nhu cầu tự thân, thoả mãn sáng tạo cá nhân hay có khi nào anh sẽ chiều theo ý muốn của độc giả?
Theo tôi, đa số bạn đọc sẽ mong chờ mỗi tác giả, mỗi tác phẩm mang tới cho họ một cái gì đó khác với suy nghĩ và cảm nhận của họ. Nếu không chắc cũng chẳng cần tới nhiều nhà văn làm gì. Nhiệm vụ của nhà văn không phải là chiều lòng độc giả mà là chinh phục họ bằng sự khác lạ.
Tuy nhiên, việc chinh phục nhiều hay ít độc giả lại phụ thuộc vào cái "tạng" của mỗi nhà văn - điều mà tôi cho rằng là do trời cho. Nghệ thuật là thế, nó phản ánh cái "tạng" của từng người. Tôi cũng có cái “tạng” riêng nên thôi cứ tùy theo “tạng” ấy mà viết thôi.
- Được nhận xét là một tác giả viết văn ấn tượng, viết thơ lại “thấm”, bản thân anh yêu thích thể loại nào hơn và thấy chúng bổ sung cho nhau như thế nào trong hành trình sáng tác của mình?
Ở giai đoạn này, thời điểm này, với cảm xúc này, tôi viết ra thơ hay văn đều là cách bày tỏ riêng. Còn việc phân biệt thể loại chỉ là quy ước, với tôi điều đó không quan trọng. Tôi chỉ phân biệt giữa người thưởng thức và người sáng tạo. Người sáng tạo có thể làm tất cả. Trong văn có thơ, trong thơ có văn, miễn là tác phẩm đó diễn đạt đúng điều họ muốn nói và chinh phục được độc giả. Chỉ cần người đọc thấy hay, cuốn hút, không nhất thiết phải tách biệt nhà thơ hay nhà văn. Sáng tạo mới là điều cốt lõi.
- Có vẻ như Nguyễn Bình Phương hơi “lười” quảng bá tác phẩm của mình, anh không dùng mạng xã hội để quan sát các vấn đề thời cuộc cũng như nhận phản hồi của độc giả?
Với tôi, viết xong là xong. Tôi không thích can thiệp vào những công đoạn không thuộc về mình. Viết là việc của nhà văn, còn in ấn hay phát hành là trách nhiệm của nhà xuất bản. Thông thường, tôi nhận phản hồi qua báo chí, bạn bè hoặc thỉnh thoảng từ những bạn đọc gọi điện trực tiếp. Tôi không đọc bình luận trên mạng xã hội, có lẽ vì công việc khá bận.
- Khi viết, anh có đặt mục tiêu đạt giải thưởng?
Không. Nhưng cũng không vì thế mà tôi coi thường giải thưởng. Nó cũng quan trọng đấy! Và nếu ai đó mơ tới giải thưởng khi viết cũng là mơ ước chân chính thôi, vì giải thưởng ít ra cũng là sự ghi nhận của một bộ phận nào đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ giải thưởng không phải là cái đích cuối cùng cho một người viết. Với những người khác, những lĩnh vực khác, có thể cần đích. Ví dụ, với một chính trị gia, có thể vị trí tổng thống là cái đích, giới hạn cuối cùng để vươn tới, nhưng với nhà văn thì khác. Hành trình sáng tác của nhà văn, đi kèm khát vọng của anh ta, là không bao giờ có điểm kết thúc. Nhà văn khổ sở ở chỗ đó, mà cũng lớn lao ở chỗ đó.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương sinh tại Thái Nguyên. Anh hiện là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Nguyễn Bình Phương vừa nhận Giải thưởng nhà văn Đông Nam Á 2022 với tiểu thuyết Một ví dụ xoàng, tác phẩm cũng được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
Anh đã xuất bản 10 tiểu thuyết, 6 tập thơ. Các tác phẩm tiêu biểu: Những đứa trẻ chết già (tiểu thuyết -NXB Văn học 1994), Xa thân (thơ - NXB Văn học 1997), Người đi vắng (tiểu thuyết - NXB Văn học 1999), Trí nhớ suy tàn (tiểu thuyết - NXB Thanh niên 2000), Từ chết sang trời biếc (thơ - NXB Hội Nhà văn 2001), Thơ Nguyễn Bình Phương (tuyển thơ, NXB Thanh niên 2004), Thoạt kỳ thủy (tiểu thuyết - NXB Trẻ 2004), Buổi câu hờ hững (thơ - NXB Văn học 2011), Mình và Họ (tiểu thuyết - NXB Trẻ 2014), Kể xong rồi đi (tiểu thuyết - NXB Hội nhà văn 2017), Một ví dụ xoàng (tiểu thuyết - NXB Hội nhà văn 2021). Tác phẩm của Nguyễn Bình Phương đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đón đọc bài 2: 'Tay lính bộ binh quèn' 75 tuổi vẫn viết văn, sống vui với hai vị sếp đặc biệt
Bộ sách tri ân các thế hệ nhà văn áo lính đạt Giải A Giải thưởng Sách quốc gia“Tổng tập nhà văn quân đội” tập hợp kỷ yếu và tác phẩm của 366 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, dịch giả tiêu biểu trong đội ngũ nhà văn chiến sĩ của cả nước qua các thế hệ. Bộ sách được vinh danh ở giải thưởng cao nhất Hạng mục Sách Văn học.