Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm. Thảo luận tại nghị trường, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định này. 

Báo VietNamNet có cuộc phỏng vấn với Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an) để có thêm góc nhìn xoay quanh tác hại của rượu, bia và những chuyển biến tích cực từ khi tăng cường kiểm tra nồng độ cồn. 

Giảm một nửa số người thiệt mạng 

Theo Đại tá Nhật, bên cạnh những nguyên nhân như vi phạm tốc độ, xe quá khổ, quá tải thì vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. 

Chính vì vậy, từ năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn trên toàn quốc. Việc kiểm tra nồng độ cồn được lực lượng chức năng thực hiện cả ngày lễ, tết và các đợt cao điểm.

Thống kê của Cục CSGT cho thấy, trong 11 tháng năm 2023, lực lượng CSGT xử lý gần 700 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23% tổng số vụ vi phạm giao thông), trung bình mỗi ngày xử lý khoảng 2.000 trường hợp.

CSGT  Nguyen quang Nhat
.jpg
Đại tá Nguyễn Quang Nhật. Ảnh: Đoàn Bổng

Trong 9 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 222 vụ tai nạn giao thông nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 77 vụ (25,8%), giảm 99 người chết (50%) và giảm 49 người bị thương (22,6%), Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin.

Không chỉ liên quan đến tai nạn giao thông, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn còn giúp hạn chế xảy ra các vụ việc cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, giúp xã hội an bình hơn.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, việc Bộ Công an và Công an các địa phương tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn "nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân", làm thay đổi thói quen của người dân theo hướng tích cực - đã uống rượu bia thì không lái xe, qua đó dần hình thành văn hóa tham gia giao thông. 

Đề cập đến xử lý vi phạm nồng độ cồn hiện nay, Đại tá Nhật cho rằng, chế tài đủ sức răn đe. Từ việc xử phạt hành chính ở mức cao cộng với tước giấy phép lái xe ở mức cao nhất là 24 tháng với tài xế vi phạm đã giúp hạn chế tình trạng vi phạm nồng độ cồn. 

Đáng chú ý, bên cạnh việc xử lý hành chính, lực lượng chức năng còn gửi văn bản đến tổ chức, đơn vị nơi công tác của công chức hoặc đảng viên để tiếp tục xử lý kỷ luật Đảng... Điều này có tính răn đe khi có những đơn vị đã buộc thôi việc đối với nhân sự vi phạm nồng độ cồn, có đơn vị xử lý kỷ luật Đảng.

CSGT xử lý nồng độ cồn không phải là "cỗ máy"

Nhiều ý kiến cho rằng, việc không sử dụng rượu, bia mà thay vào đó là siro, đồ uống có ga khi kiểm tra vẫn vi phạm nồng độ cồn - Đại tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định, lực lượng CSGT khi xử lý vi phạm nồng độ cồn không phải là cỗ máy. 

"Công dân có quyền được đề xuất lực lượng CSGT thổi lại nồng độ cồn khi cho rằng bản thân không vi phạm. Điều này đã và đang được lực lượng CSGT triển khai khi cho phép tài xế chờ trong khoảng thời gian nhất định (10-15 phút), hoặc uống nước... để thổi lại", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói. Ông cũng không loại trừ, có những trường hợp cố tình yêu cầu thổi đi, thổi lại để gây rối, cản trở lực lượng thực thi nhiệm vụ.  

thổi nồng độ cồn .jpg
CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn tài xế ô tô. Ảnh: Đình Hiếu

"Thiết bị thổi nồng độ cồn của lực lượng CSGT được kiểm định phù hợp với các quy định của pháp luật, cách kiểm tra nồng độ cồn ở nước ta hiện nay tương đương với quốc tế. Chúng tôi cho kiểm tra định tính, nếu phát hiện có nồng độ cồn mới chuyển sang kiểm tra định lượng hoặc các hình thức khác. Quá trình này được thực hiện bài bản, đúng quy định và công khai", Đại tá Nhật nhấn mạnh.

Bảo vệ tính mạng con người là trên hết

Trước những băn khoăn của Đại biểu Quốc hội về quy định cấm tuyệt đối lái xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn, Đại tá Nguyễn Quang Nhật dẫn lại ý kiến của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an khi xác định quan điểm: Bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết. 

Do đó, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.

Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).

Thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Sau thời gian quyết liệt kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định này trên trong thực tế.