Đại tướng Phạm Văn Trà kể lại thời kỳ sau năm 1990, Quân đội thực hiện một số nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó trong đó có tinh gọn để phù hợp với tình hình mới, đấu tranh phòng chống diễn biến hòa bình.
"Đến hiện tại Quân đội đã bước đầu hoàn thành cơ bản những nhiệm vụ này", Đại tướng Phạm Văn Trà chia sẻ.
Đại tướng nhớ lại những năm 1990, diễn biến hòa bình làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã đặt ra cho Việt Nam nhiều bài học ứng phó.
"Khi Bộ Tổng tham mưu bắt đầu xây dựng kế hoạch phòng chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ thì có người cho rằng ở nước ta làm gì có bạo loạn mà chống và cũng cho rằng với bản chất con người Việt Nam, phòng chống diễn biến hòa bình chỉ là "báo động giả, là nguy cơ không có thật".
Có người còn cho rằng, Quân đội chỉ nên chống quân xâm lược, còn phòng chống diễn biến hòa bình nên để Công an", Đại tướng Phạm Văn Trà kể lại.
Thực tế cho thấy từ sau năm 1975 đến 1991 đã xuất hiện những dấu hiệu của diễn biến hòa bình.
Đại tướng Phạm Văn Trà kể về các sự kiện chống phá những năm 1982-1983 hay sự kiện Liên Xô sụp đổ, do Quân đội có sự chuẩn bị nên đã ngăn chặn từ sớm diễn biến hòa bình.
Từ đây, ông cho rằng với các hành động nguy hiểm của thế lực thù địch, QĐND Việt Nam không thể lơ là, mất cảnh giác. Tướng Trà cho rằng, hiện nay với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển, các thế lực thù địch vẫn ráo riết thực hiện diễn biến hòa bình, chống phá Việt Nam.
Đảng, Nhà nước xác định phòng chống diễn biến hòa bình là nhiệm vụ cấp bách trong nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Đại tướng Phạm Văn Trà nhấn mạnh Quân đội phải kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước chủ trương, biện pháp hiệu quả nhằm phòng chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ.
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết sau khi thành lập chưa đầy một năm, đội quân vũ trang non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã cùng nhân dân tiến hành cách mạng Tháng Tám 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trải qua 9 năm trường kỳ, Quân đội từng bước trưởng thành, lớn mạnh cùng nhân dân bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ, đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù, phát triển từ du kích chiến lên vận động chiến.
Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc để tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, Quân đội Việt Nam tiếp tục có bước trưởng thành mới, trở thành quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm đủ các lực lượng Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân.
Những năm 1973-1975, bốn quân đoàn chủ lực (1, 2, 3, 4) trực thuộc Bộ Quốc phòng ra đời, là những “quả đấm thép” để cùng quân và dân ta làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, QĐND Việt Nam đã chuyển 1/3 quân số sang làm nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế.
Tham dự hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, kể cả trong thời điểm khó khăn, phức tạp nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội.
Đây là yếu tố quyết định bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội; bảo đảm cho Quân đội thực sự là công cụ sắc bén, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trước yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nhằm bảo đảm Quân đội bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân càng trở nên đặc biệt quan trọng.