Sầu riêng là cây trồng chủ lực ở tỉnh Đắk Lắk. Loại cây này đã giúp người nông dân ở nhiều địa phương của tỉnh thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, sầu riêng của tỉnh này đã có bước tăng trưởng ngoài sức tưởng tượng. Năm 2023, địa phương này dẫn đầu cả nước về quy mô trồng sầu riêng với diện tích 32.785ha, sản lượng đạt 281.350 tấn. Đắk Lắk hiện có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước, sau Tiền Giang.
Với hai loại giống chủ lực là Dona và Ri6 khá được ưa chuộng hiện nay, sầu riêng Đắk Lắk bán rất được giá. Năm 2023 giá thu mua tại vườn giao động từ 60.000-90.000 đồng/kg. So với năm 2022, giá này cao gấp 1,5 lần, tạo nên cơn sốt và giúp nhiều nông dân đổi đời.
Ước tính, mỗi 1ha thu về 1-1,2 tỉ đồng, trừ chi phí, nông dân trồng sầu riêng lãi 700 triệu đồng/ha.
Tại Đắk Lắk, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 68 mã vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 2.521ha. Trong đó, huyện Krông Pắc có 37 vùng trồng với tổng diện tích khoảng 1.857ha.
Trung Quốc cũng cấp mã đóng gói cho cho 23 cơ sở tại tỉnh này. Điều đó cho thấy, sầu riêng Đắk Lắk đang dần tìm được chỗ đứng trong thị trường Trung Quốc.
Song, để ngành sầu riêng của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, minh bạch nguồn gốc xuất xứ đáp ứng nhu cầu của thị trường, mới đây Tỉnh đoàn Đắk Lắk cùng phối hợp với Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk triển khai chương trình số hóa cây sầu riêng lên hệ thống bản đồ cây xanh.
Chương trình được triển khai với mục tiêu số hóa 10.000 cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh này. Theo kế hoạch, trong tháng 4 thực hiện số hóa 50%, tháng 5 đạt 80% và đến tháng 6 hoàn thành số hóa tổng số cây theo chương trình.
Theo đó, mỗi đoàn viên, thanh niên tham gia số hóa sầu riêng sẽ tải ứng dụng bandocayxanh.vn, đăng ký tài khoản trên ứng dụng này. Sau đó nhập thông tin cá nhân của chủ vườn, quét mã QR, nhập thông tin của cây sầu riêng như: năm trồng, kích thước cây trồng, chiều cao, vị trí trồng cây, chụp hình cây sầu riêng và đăng tải thông số của cây sầu riêng để theo dõi…
Anh Vũ Văn Hùng, Phó bí thư Huyện đoàn Krông Búk (Đắk Lắk), cho biết, số hóa cây sầu riêng là chương trình thuộc dự án thí điểm. Các đoàn viên, thanh niên sẽ được tập huấn, trải nghiệm trước về việc số hóa cây tại vườn nhà.
Thông qua chương trình nhằm thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong chuyển đổi số nông nghiệp, giới thiệu mô hình mới trong sản xuất – tiêu dùng sầu riêng gắn với công nghệ, số hóa cây sầu riêng vật lý thành một tài sản số “Cây sầu riêng của tôi”.
Khi hoàn thiện, ngành sầu riêng Đắk Lắk sẽ có kho dữ liệu chung để cơ quan chức năng đưa ra những chính sách phù hợp về sản xuất, thúc đẩy xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và giá cả của loại trái cây tỷ USD này.
Đặc biệt, khi sầu riêng được số hóa đến từng gốc cây, các thông tin trồng và chăm sóc được minh bạch rõ ràng sẽ thuận lợi hơn trong quá trình xin và cấp mã số vùng trồng được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.