Tăng trưởng thần tốc, thành loại quả đắt giá
Cách đây vài năm, sầu riêng chưa thể lọt top 10 trái cây có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất của nông nghiệp Việt Nam. Đến khi nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được ký kết vào giữa năm 2022, sầu riêng bắt đầu tăng trưởng thần tốc.
Chỉ hơn một năm, sầu riêng vượt qua hàng loạt trái cây để trở thành loại quả đắt giá nhất Việt Nam, thu về 2,24 tỷ USD trong năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và gấp 10 lần so với năm 2021.
Đáng chú ý, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2023 tăng 1.036% về giá trị và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022. Nhờ đó, thị phần sầu riêng của Việt Nam trong tổng lượng nhập Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6% năm 2023.
Trước đà tăng trưởng thần tốc của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, người Thái cũng phải dè chừng. Bởi, trước khi Việt Nam được xuất chính ngạch sầu riêng vào thị trường 1,4 tỷ dân này, hàng Thái chiếm đến 95% thị phần. Năm 2023, sầu riêng Thái Lan chỉ còn chiếm 65,1% trong tổng lượng nhập của Trung Quốc.
Trong hai tháng đầu năm nay, theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 53.110 tấn sầu riêng tươi, với giá trị 283,6 triệu USD, tăng 0,4% về lượng nhưng giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, giá trị đạt 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại thị trường này tăng lên 57% trong hai tháng đầu năm nay.
Cục Xúc tiến Thương mại quốc tế Thái Lan nhận định, Việt Nam mới chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trong khi Thái Lan được xuất khẩu cả sầu riêng tươi, đông lạnh và qua chế biến.
“Nếu Trung Quốc cho phép Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, khối lượng xuất khẩu còn tăng hơn nữa”, cơ quan này cảnh báo và kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cũng như phía nhà chức trách Thái Lan tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì thị phần ở Trung Quốc.
Cuối năm 2022, truyền thông Thái Lan cũng liên tục đề cập việc sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch thành công vào thị trường Trung Quốc với giá cạnh tranh, khiến nông dân Thái Lan bất an. Khi đó, nước này đã chủ động nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ, đường sắt quá cảnh qua Lào nhằm giảm thời gian vận chuyển.
Loạt cảnh báo với trái sầu riêng Việt
Thành công của ngành hàng sầu riêng trong xuất khẩu là không thể phủ nhận. Nhờ thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, giá sầu riêng tăng vọt và neo ở ngưỡng cao, giúp người nông dân thu lãi tiền tỷ trên mỗi 1ha.
Theo đó, sầu riêng trở thành cây trồng tỷ USD “hot” ở nước ta. Người dân đua nhau phá bỏ hồ tiêu, cà phê... để trồng. Thậm chí, các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp cũng tích cực mở rộng diện tích sầu riêng khi cây trồng này đạt tỷ lệ “1 vốn 5 lời”.
Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho hay, năm 2023, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước tính đạt 131.000ha, tăng gần 20% so với năm 2022. Sản lượng sầu riêng lên đến hơn 1 triệu tấn dù chỉ 60% diện tích cho thu hoạch quả.
Rất nhiều chuyên gia khuyến cáo, với tốc độ tăng diện tích như hiện nay, nguy cơ cung vượt cầu hiện hữu trong vài năm tới. Lúc đó, hàng dội chợ và điệp khúc rớt giá có thể xảy ra giống như thanh long, cam, dưa hấu,... Và sầu riêng sẽ thành “sầu chung”.
Mới đây, 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo về việc nhiễm kim loại nặng cadimi vượt giới hạn quy định của quốc gia này.
Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.
Cơ quan chức năng tại Cần Thơ cũng cảnh báo người dân về tình trạng mua bán sầu riêng non. Bởi, trái chưa đủ tuổi, cơm sẽ rất nhạt, không có hương vị, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thương hiệu sầu khi đưa đi tiêu thụ và xuất khẩu.
Thực tế, trong mùa sầu riêng năm ngoái, doanh nghiệp cho hay tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng tranh mua tranh bán, giá bị đẩy lên quá cao. Nhiều nhà vườn chạy theo lợi nhuận, thấy giá cao, hàng khan hiếm ép vựa mua cả hàng xấu, cắt hàng non chứ không có sự chọn lọc.
Một số thương lái thiếu hàng còn gom mua các loại sầu mà không phân biệt chất lượng. Tình trạng bẻ kèo cũng diễn ra khiến chuỗi cung ứng sầu ở nhiều nơi bị đứt gãy, doanh nghiệp khó khăn trong việc gom hàng xuất khẩu.
Quy mô sầu riêng tại thị trường Trung Quốc ngày càng lớn. Việt Nam có nhiều ưu thế để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Song, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn ở nước ta nhìn nhận, nếu vẫn giữ tư duy “buôn chuyến”, chất lượng sầu không đảm bảo thì sẽ đánh mất uy tín, mất đi thị trường mà nhiều năm chúng ta mới mở cửa được.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cũng lưu ý về tình trạng gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, chất lượng hàng xuất khẩu,... Nếu không quản lý tốt sẽ khó mở rộng được thị phần tại thị trường Trung Quốc do các đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh.