Với xuất phát điểm thấp, hạ tầng thiếu đồng bộ, nguồn lực trong nhân dân hạn hẹp nên quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị còn gặp nhiều khó khăn. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã và đang vào cuộc mạnh mẽ để đưa các xã miền núi hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

Đến nay, toàn huyện Đakrông đạt 141 tiêu chí; bình quân tiêu chí toàn huyện 11,75 tiêu chí/xã. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn các xã miền núi ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá... được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. 

Sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Hệ thống chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện...

Ảnh màn hình 2024 07 10 lúc 20.41.37.png
Đakrông (Quảng Trị) nỗ lực xây dựng nông thôn mới. 

Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, công tác tuyên truyền đã được địa phương triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa rộng, hình thức và phương pháp chưa thích hợp. Do vậy, nhận thức của nhân dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa được rõ ràng, vẫn còn một bộ phận người dân xem chương trình này như là một dự án đầu tư. Việc chỉ đạo và thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã thực hiện còn chậm làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo thực hiện chương trình.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo các cấp, Ban Quản lý xã và Ban Phát triển thôn trên địa bàn huyện Đakrông sớm được thành lập, kiện toàn song hoạt động chưa hiệu quả, mang tính hình thức. Các ban có quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên nhưng thực tế hoạt động không bám vào quy chế; không tổ chức kiểm tra, giám sát; không tổ chức hội họp nên không cập nhật được kết quả thực hiện các nội dung của từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

Nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, nguồn vốn đóng góp từ người dân còn hạn chế do đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu hiến đất để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi... góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vốn huy động từ các doanh nghiệp chưa nhiều. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2021 - 2023 triển khai chậm do vướng về cơ chế, hướng dẫn, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có xã Triệu Nguyên đạt xã nông thôn mới nâng cao; 2 xã Ba Lòng và Mò Ó đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; 40% số thôn (tương ứng với 30 thôn; trong đó có 27 thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện Đakrông sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét theo từng xã. Đồng thời chủ động soát xét, xây dựng khung kế hoạch cụ thể thực hiện, xác định rõ lộ trình và cân đối nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo khả thi, chuyển mạnh về chiều sâu, bền vững.

Cùng với đó, địa phương sẽ tiếp tục ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; quan tâm các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Thời gian tới, huyện Đakrông sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất giáo dục; duy tu, bảo dưỡng các công trình trường học, đảm bảo đáp ứng tốt công tác dạy và học.

Về cơ sở vật chất văn hóa, huyện sẽ rà soát thực trạng cơ sở vật chất văn hóa tại các địa phương; nâng cấp, xây dựng mới nhà văn hóa xã, thôn, bản theo tiêu chuẩn nông thôn mới; đồng thời xây dựng, bổ sung các thiết chế văn hóa, đảm bảo đáp ứng điều kiện hội họp, vui chơi, giải trí của người dân. Tiếp tục rà soát, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn, các điểm mua bán, trao đổi hàng hóa tại các xã, phấn đấu có 12 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại vào năm 2025.