Đảm bảo mục tiêu kép

Là địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, hiện toàn tỉnh Bình Dương có gần 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành phố. Đến nay có 406 doanh nghiệp có 3.715 ca F0 (phát hiện tại công ty 3.370 F0 và phát hiện tại các khu cách ly là 345 F0).

Trong bối cảnh dịch bệnh, để duy trì sản xuất, hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” với tổng số lao động 140.238 người.

Báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lãnh đạo Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam cho biết, việc thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa sản xuất”, công ty đã bố trí chỗ ăn ở cho hơn 700 cán bộ, công nhân (chiếm 80% tổng số công nhân).

Để có chỗ ở cho tất cả người lao động, công ty cho cải tạo lại 2 khu xưởng, lắp đặt thêm máy lạnh, màn, chăn; gắn thêm vòi hoa sen tại nhà vệ sinh. Ngoài 4 bữa ăn được cung cấp miễn phí, công nhân còn được công ty tặng 1 thùng sữa tươi và hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng/ngày.

Còn lãnh đạo Công ty Vina Kraft Paper cho biết, tất cả lao động nghỉ việc, không tham gia “3 tại chỗ” đều được hưởng toàn bộ lương. Công nhân đi làm được hưởng trợ cấp 100.000 đồng/ngày. Một ngày, công ty phải chi 100 triệu đồng lo tiền ăn uống cho công nhân. Lãnh đạo công ty bày tỏ vui mừng khi tất cả công nhân đi làm đều đã được tiêm vaccine.

{keywords}
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra điều kiện ăn ở của công nhân tại Công ty Foster 

Đối với Tôn Đông Á, doanh nghiệp này cũng duy trì sản xuất với 620 lao động (trong 800 lao động, chiếm 77,5%). Tình hình sản xuất của nhà máy tương đối ổn định, sản lượng đạt 65.000-68.000 tấn, công suất đạt 100%, chủ yếu là xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Năm nay, Công ty dự kiến đạt doanh thu 14.000 tỷ đồng, cao hơn mức 12.500 tỷ đồng của năm ngoái.

Trong khi đó, từ ngày 19/7, Công ty Sanaky bắt đầu “3 tại chỗ” với 550 người trong tổng số 1.000 lao động. Doanh nghiệp tổ chức ăn ở và làm việc riêng từng bộ phận, sinh hoạt với từng khung giờ khác nhau, đến nay không xảy ra lây nhiễm chéo. Nhờ đó, mặc dù dịch bệnh, phải thực hiện “3 tại chỗ” nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động khá tốt. Công nhân được hỗ trợ 1,75 triệu đồng.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương đang nỗ lực để tiếp tục hỗ trợ các DN sản xuất an toàn theo phương án "3 tại chỗ"; quyết tâm giữ vững và bảo vệ bằng được "vùng xanh" các địa phương ở phía bắc gồm các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng và TX.Bến Cát để sớm ổn định tình hình, đồng thời làm căn cứ địa, vùng đệm vững chắc cho tấn công dịch tại các địa phương phía nam của tỉnh.

Trước đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo giỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. 

Tổ công tác hỗ trợ DN có trách nhiệm tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời rà soát, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền. Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các thành viên và Tổ công tác hỗ trợ DN báo cáo, tham mưu, đề xuất hàng tuần để có phương án hỗ trợ kịp thời cho các DN.

Về vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động (NLĐ) trong các DN trên địa bàn tỉnh, ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, cho biết trước mắt sẽ tiêm hết cho NLĐ các DN trong 'vùng xanh' đang thực hiện '3 tại chỗ'. 

Tính đến thời điểm này đã tiêm xong cho 4 KCN có DN thực hiện '3 tại chỗ', các khu còn lại đạt 70%. Sắp tới sẽ triển khai tiêm tại KCN Bàu Bàng, nơi có khoảng 7.000 - 8.000 công nhân đang thực hiện '3 tại chỗ'.

Chiến dịch tiêm vắc xin được tổ chức theo hình thức cuốn chiếu, làm tới đâu chắc tới đó để tạo 'vùng xanh' an toàn cho khu vực sản xuất tại các nhà máy, KCN. Đây đươc xem là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương tỉnh Bình Dương. 

Nêu các kiến nghị trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn, việc kiểm soát phương tiện trên đường cần phải có những nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương, áp dụng công nghệ để giảm thiểu số lượng phương tiện, thời gian phải dừng.

Nhà nước cần có giải pháp thống nhất điều kiện cấp phép lưu thông phương tiện và kiểm tra sức khỏe lái xe. Các doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh việc phân bổ, tiêm vaccine cho công nhân lao động tại Bình Dương nhằm đưa hoạt động sản xuất trở lại trạng thái bình thường mới.

Phải chú trọng chăm lo đời sống công nhân “3 tại chỗ”

Sau khi kiểm tra trực tiếp và trao đổi với các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao tinh thần chủ động, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ và công nhân lao động vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi đời sống công nhân được bảo đảm. Tỉ lệ doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” tại Bình Dương là khá cao so với các địa phương khác.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát phải bảo đảm tất cả người lao động khi tham gia “3 tại chỗ” phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Đây là điều kiện tiên quyết. Phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc hằng tuần để kiểm tra, tầm soát. Nếu phát hiện ca F0 thì phải dừng sản xuất ngay. Quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cho công nhân, đây là tài sản quý của doanh nghiệp. Do đó, phải an toàn thì mới sản xuất, bởi để xảy ra lây nhiễm trong nhà máy, xí nghiệp thì thiệt hại rất lớn, không chỉ kinh tế mà cả sức khỏe, đời sống của người lao động. Phải kiểm soát chặt chẽ việc cung ứng thực phẩm cho nhà máy.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài, cần hết sức quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, từ bữa ăn đến điều kiện vệ sinh, vui chơi, giải trí. “Có một số doanh nghiệp tôi đi kiểm tra, bị đứt gãy, khi quay trở lại hoạt động thì mời công nhân đến làm rất khó. Mà đào tạo được 1 công nhân thành thạo, có tay nghề cao không thể một sớm, một chiều”.

Không được chủ quan. Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài chống dịch, góp sức cùng Bình Dương sớm kiểm soát được dịch, Phó Thủ tướng nói. Để dịch càng kéo dài, người dân càng khổ, hệ thống bộ máy càng mệt mỏi.

Phó Thủ tướng nhất trí và sẽ yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bảo An