Theo tài liệu mà PV VietNamNet có được, trước tháng 1/2019, Đầm Bông vẫn còn mênh mông nước. Để đi được vào ‘hòn đảo’ nằm giữa đầm, người dân phải men qua cây cầu dài hàng chục mét.

Thời điểm đó, tình trạng đổ đất san lấp Đầm Bông làm nhà xưởng đã bắt đầu manh nha. Ven Đầm Bông ở phía đường Trần Điền đã xuất hiện lác đác nhà lợp mái tôn màu xanh. Tình trạng đổ đất lấn Đầm Bông rầm rộ hơn cả là khu vực đối diện dãy nhà xưởng cũ ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn.

Hình ảnh Đầm Bông vào tháng 1/2019 còn mênh mông nước. Ảnh: TTXVN
Còn hình ảnh cuối năm 2022, Đầm Bông đã khác xa so với 3 năm trước, cả đầm bị san lấp biến thành nhà xưởng. Ảnh: Quang Phong.

Trước tình trạng trên, tháng 1/2019, Chủ tịch UBND phường Định Công đã ban hành kế hoạch xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai và tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại khu vực Đầm Bông.

Thực hiện kế hoạch trên, trong tháng 1/2019, phường Định Công ra quân rầm rộ xử lý một số công trình vi phạm, đồng thời cắm cọc, căng dây thép gai xung quanh khu vực Đầm Bông để chống san lấp đầm làm nhà xưởng.

Thời điểm đó, lãnh đạo phường Định Công cũng nêu quyết tâm sẽ xử lý triệt để các công trình vi phạm, nhất là các công trình vi phạm phát sinh ở Đầm Bông.

Tuy nhiên, không rõ những quyết tâm của lãnh đạo phường Định Công khi đó được thực thi, giám sát thế nào, còn đến nay, gần 3,5ha Đầm Bông đã bị san lấp gần hết.

Đáng nói, so với thời điểm 2019 trở về trước, hiện nay, Đầm Bông đã bị phân lô, xây dựng nhiều nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông.

Ngày 20/12/2022, có mặt tại ‘cụm công nghiệp’ Đầm Bông, chúng tôi vẫn thấy cảnh hoạt động náo nhiệt trong các công trình mọc trên đất nông nghiệp. Lực lượng công nhân trong các nhà xưởng vẫn miệt mài sản xuất. Các nhà kho được xây dựng ở Đầm Bông vẫn đông kín người bốc dỡ hàng hóa.

Tình trạng san lấp Đầm Bông làm nhà xưởng nghiêm trọng là vậy, nhưng khi trao đổi với báo chí tại trụ sở UBND TP Hà Nội, ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch quận Hoàng Mai nhiều lần khẳng định những vi phạm trong thời gian gần đây ở Đầm Bông 'chỉ là nhỏ lẻ' và đều được lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

Ông Tùng nêu dẫn chứng, cuối tháng 12/2018, phường Định Công phát hiện một số hộ dân tự ý lắp hàng rào, khung sắt, lắp cửa ở Đầm Bông. Đến tháng 1/2019, UBND phường Định Công tiếp tục phát hiện các hộ dân đang sinh sống ở ngõ 23 Trần Điền làm đường thoát nước.

Còn với 80 trường hợp vi phạm ở Đầm Bông mà UBND phường Định Công cung cấp cho phóng viên, vị Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho là có sự nhầm lẫn về thời điểm các công trình vi phạm. Cụ thể, theo ông Tùng, 80 trường hợp vi phạm này riêng ở Đầm Bông đã xảy ra từ năm 2014.

Thực tế, theo ông Phùng Ngọc Nam, cán bộ địa chính phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) năm 2016, khi ông về phường công tác vẫn thường phát hiện người dân chở đất san lấp Đầm Bông.

“Lúc đó, phường còn phải mua cốp pha, dây thép gai dựng rào chống người dân san lấp ở Đầm Bông. Tuy nhiên, chỉ được vài ngày, hàng rào lại bị người dân đạp đổ để san lấp”, ông Phùng Ngọc Nam nói.

'Không có sự tiếp tay, sao Đầm Bông lại biến mất'

'Không có sự tiếp tay, sao Đầm Bông lại biến mất'

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, nếu không có sự tiếp tay, nhắm mắt làm ngơ của lãnh đạo địa phương thì không bao giờ người dân có thể san lấp được Đầm Bông (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) làm nhà xưởng, khu dân cư.