Xã hội đang dậy sóng với vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy ở TP. Hồ Chí Minh nhưng rất có thể sẽ lại "chưng hửng" với án phạt 200.000 đồng cho hành vi phải được gọi đúng tên là “Dâm ô với trẻ em”.

Nói như vậy, bởi lẽ nếu nhìn vào các văn bản pháp luật hiện hành và tiền lệ xử lý các vụ việc tương tự sẽ thấy pháp luật của chúng ta đang bất lực thế nào với những hành động phóng túng này.

Bộ luật hình sự năm 2015 tuy có sửa đổi nhưng vẫn chưa đưa ra câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi thế nào là hành vi dâm ô. Văn bản pháp luật gần nhất đưa ra định nghĩa này lại là một Thông tư liên tịch từ năm 1998 (hướng dẫn Bộ luật hình sự1985), trong đó quy định dâm ô là hành vi “của người phạm tội, như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em” (Điều 1.d, Mục III).

Định nghĩa này tiếc thay lại bị giới hạn tại Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục (số 329-HS2) của TAND tối cao từ năm 1967.

Theo đó, dâm ô được định nghĩa là “có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thoả mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó (ví dụ như: dùng tay sờ mó hoặc kích thích bộ phận sinh dục, tác động dương vật vào những chỗ khác trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong, ấn dương vật vào sau quần, cho xuất tinh vào sau quần, bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của mình…)”. 

{keywords}
Vụ dâm ô trẻ em trong thang máy đang gây rúng động dư luận.

Rất nhiều nhà nghiên cứu, luật gia, luật sư, và kể cả những người đang thi hành pháp luật từng lên tiếng kêu gọi mở rộng định nghĩa của hành vi dâm ô này vì sự thay đổi tình hình xã hội. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào thực tiễn xử lý các hành vi tương tự thì sẽ thấy có vẻ như hiện thực áp dụng pháp luật vẫn không có gì thay đổi.

Chẳng hạn, vụ án ở Đức Cơ năm 2017, một người đàn ông có hành vi ôm vào bụng và sờ ngực của một em gái vì anh này không đồng ý để con mình đi chơi với em gái đó. Vụ án sau đó bị đình chỉ điều tra vì quan điểm của cơ quan chức năng cho rằng hành vi sờ ngực đó và bối cảnh của vụ việc không đủ để cấu thành tội dâm ô trẻ em.

Hay gần đây nhất là vụ việc ở Bắc Giang khi kẻ gây hại mượn danh giáo viên để sờ đùi, mông của rất nhiều học sinh nhưng lại được kết luận hành vi đó cũng không đủ để cấu thành tội dâm ô.

Nhìn vào các vụ dâm ô trẻ em sẽ thấy một trong những yếu tố rất quan trọng để kết án một người đó chính là việc có hay không hành vi sờ vào bộ phận sinh dục, hoặc tác động vào khu vực vùng bộ phận sinh dục của nạn nhân. (Xem thêm vụ án Lê Ngọc Tú ở Vũng Tàu, vụ án Nguyễn Khắc Thuỷ, vụ án Nguyễn Đức Quang ở Nha Trang…). Trường hợp hiếm hoi người viết đọc được trên báo chí mà bị cáo phải lĩnh án vì hành vi sờ ngực thay vì sờ bộ phận sinh dục là trong vụ án bể bơi ở Hà Nội năm 2018. Tất nhiên, chưa có vụ án nào mà bị cáo phải lĩnh án vì hành vi ôm và hôn nạn nhân.

Đưa ra những phân tích này để thấy rằng pháp luật Việt Nam hiện nay có vẻ đang bất lực trước những hành vi đê tiện đối với thân thể phụ nữ, trẻ em. Và khi pháp luật không đủ mạnh, thì cơ quan áp dụng pháp luật cũng trở nên lúng túng.

Án phạt 200.000 đồng cho Đỗ Mạnh Hùng chính là minh hoạ cho sự lúng túng đó. Tất nhiên khi chính quyền lúng túng thì xã hội sẽ phẫn nộ. Ngay sau khi án phạt được công bố, đã xuất hiện hàng loạt lời kêu gọi tẩy chay vĩnh viễn kẻ thủ ác hay những lời đe doạ đối với y.

Ở vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh bị tố có hành vi dâm ô bé gái tại thang máy chung cư Galaxy 9, cũng đã có rất nhiều hình ảnh của kẻ tình nghi bị trưng ra cùng với lời kêu gọi “xử lý” nếu như chính quyền không đưa ra được các hình phạt thoả đáng. Thiết nghĩ điều này rất nguy hiểm.

Từ trước đến nay, pháp luật được coi là một công cụ hữu hiệu để răn đe, trừng phạt các hành vi phạm pháp và người ta cho rằng án phạt 200 ngàn đồng không đủ sức răn đe. Pháp luật được đưa ra để hướng đến sự hài hoà, và một trong những sự hài hoà mà xã hội mong chờ chính là cảm giác công lý mà pháp luật đem lại.

Thiếu vắng pháp luật thoả đáng, những uẩn ức, hận thù của gia đình nạn nhân và xã hội không có chỗ để thi hành và nó sẽ chuyển thành những hành vi dưới dạng “công lý đám đông”. Rồi đến lượt gia đình của kẻ gây hại khi gánh chịu hành vi công lý đám đông đó cũng sẽ nuôi trong mình sự uẩn ức và tìm cách trả thù. Vòng luẩn quẩn cứ thế kéo dài.

Pháp luật vốn dĩ được tạo ra để chấm dứt vòng luẩn quẩn đó. Không có pháp luật thoả đáng, sự uẩn ức của người dân sẽ không có cơ hội tháo ngòi. Khi không thể tháo ngòi, cơn giận dữ sẽ đổ dồn vào kẻ gây hại bằng những hình thức thiếu kiểm soát nhất. Rồi oán giận lại chất chồng.

Cảm nhận an toàn không còn, lòng tin vào nhau biến mất, uy tín của chính quyền bị hao mòn, vốn xã hội tiêu tan. Tất cả có thể được giải quyết nếu chính quyền biết ưu tiên giải quyết lỗ hổng này của pháp luật.

Tháng 5 tới, Quốc hội sẽ họp và trong chương trình nghị sự chưa xuất hiện bất kỳ sáng kiến lập pháp nào để vá đi lỗ hổng của pháp luật mà chúng ta vừa bàn. Lẽ ra, phẩm giá và quyền bất khả xâm phạm thân thể phải là vấn đề được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự mới đáp ứng ngay được đòi hỏi của cuộc sống, của người dân.

Lê Nguyễn Duy Hậu