- Nêu thực trạng thủ tục tố tụng dân sự nhiêu khê, ĐB Trần Du Lịch cho hay lâu nay, khi từ chối một vụ khiếu nại hay kiện của người dân, chưa đến tòa án đã bị thư ký bác rồi.

Thảo luận dự án bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) tại QH hôm nay, ĐB Trần Du Lịch phản ánh với thực tế thủ tục TTDS nhiêu khê, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp người dân phải tuân thủ nguyên tắc 2 cấp xét xử. ĐB kiến nghị không biến những thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thành một cấp xét xử.

{keywords}

ĐB Trần Du Lịch

Ông cho rằng, tòa án tối cao phải là tòa phá án thực sự chứ không phải cấp xét xử thứ ba khiến vụ án kéo dài không có điểm dừng.

Một trong điểm mới của luật là tòa án không được từ chối khi người dân yêu cầu vì lý do không có quy định. Ông Trần Du Lịch cho rằng, người phạm tội không có quyền bào chữa bằng việc "không biết luật" vì đây chỉ là điều kiện giảm án, không phải miễn tội. Tương tự trong dân sự nhà nước cũng không được từ chối người dân vì không có luật.

Ông phản ánh, thực tế lâu nay, khi từ chối một vụ khiếu nại hay kiện của người dân chưa đến tòa án đâu mà cô thư ký đã bác rồi.

ĐB Trương Trọng Nghĩa phản ánh các qui định về thời hạn trong TTDS tạo rất nhiều dư địa cho sự trì hoãn, kéo dài thời gian mà không có chế tài như việc thẩm phán đi nghỉ, đi họp công đoàn …khiến đương sự "lãnh đủ". Theo ông Nghĩa, lẽ ra thẩm phán nghỉ lâu thì lãnh đạo tòa phải phân công.

“Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối. Tố tụng chậm trễ là khuyến khích vi phạm. TTDS càng kéo dài thì toàn bộ đời sống của dân, sản xuất, kinh doanh, sự phát triển của đất nước bị chậm theo. Tố tụng đã là một nỗi đoạn trường thì thi hành án lại là đoạn trường khác”, ĐB khuyến nghị.

Ông cũng cho rằng, nếu dựa vào sự quá tải của các tòa án mà qui định thời hạn quá dài là chưa hợp lý. Án quá tải phải giải quyết bằng cách tăng biên chế, không thể kéo dài thời hạn. Theo đó, ông đề nghị rút ngắn tất cả các thời hạn bằng 50% dự thảo quy định.

Rủi ro vẫn về phía đương sự

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lại cho rằng quy định như trên không phù hợp với Hiến pháp về việc tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, mâu thuẫn ngay với dự thảo bộ luật.

{keywords}

ĐB Trần Thị Quốc Khánh

Theo bà, nguyên tắc nhà nước pháp quyền luôn đòi hỏi nhà nước trước hết phải có luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tổ chức cá nhân phải thượng tôn pháp luật. Tòa án phải cầm cân nảy mực, chỉ tuân theo pháp luật, thế mà trong thực tiễn nhiều năm qua, án hủy, sửa, oan sai vẫn chiếm một tỉ lệ nhất định.

Vì vậy, theo bà quy định như trên lại cho phép tòa án có quyền xét xử kể cả khi không có luật, tùy tiện áp dụng pháp luật cho mình, còn nguy cơ rủi ro thì dành cho các đương sự, cho dân. Lo ngại quy định này sẽ tăng nguy cơ án hủy, sửa, oan sai, thậm chí dẫn đến bất ổn xã hội, ĐB Hà Nội đề nghị QH không giao thêm một yếu tố khách quan gây lúng túng cho cán bộ tòa án.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng quy định này nghe có vẻ văn minh nhưng nếu dựa vào ý chủ quan của người tiến hành tố tụng dễ dẫn đến tùy tiện, lạm dụng và sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên là rất lớn. Điều này dễ dẫn đến khiếu kiện triền miên, kéo dài.

Khởi kiện xâm phạm chế độ XHCN, tòa phải từ chối

Được mời giải trình thêm, Chánh án Tòa án NDTC Trương Hòa Bình cho biết quy định "tòa không được từ chối" là nội dung gắn với việc sửa đổi bộ luật Dân sự, dựa trên cơ sở "Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân", cũng như để tương thích với Công ước quốc tế về các quyền dân sự mà VN đã tham gia, nhiều nước trên thế giới cũng có quy định tiến bộ này. 

Nhưng ông Trương Hòa Bình cũng nhận định bên cạnh những điểm mạnh cần lường hết những hạn chế của nội dung này: Với các khả năng lợi dụng quy định này, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, trong đó lưu ý tới việc tòa án ngoài việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích con người, quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, còn phải bảo vệ quyền lợi ích của đất nước.

"Vì vậy, với những người lợi dụng quy định này để khởi kiện xâm phạm chế độ XHCN, tòa án nhất định phải từ chối, đồng thời nghiêm trị nếu có hành vi vi phạm trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến chế độ chính trị", Chánh án Tòa án NDTC nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho biết qua lấy ý kiến nhân dân về dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi, tuyệt đại đa số báo cáo từ bộ, ngành, đoàn thể, tỉnh, thành phố... ủng hộ quy định “tòa không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. 

"Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp. Sứ mệnh của tòa án là bảo vệ công lý trong quan hệ dân sự, kinh doanh", ông Hà Hùng Cường nói.

Thu Hằng –- Thủy Chung - Ảnh: Minh Thăng