Tôi không nghĩ là tất cả những người Ấn Độ trên đất Mỹ đều sẽ gạch tên ông Trump, và không phải người Việt nào cũng thấy bà Trump là xinh đẹp, nhưng có thể thấy ngay trong cộng đồng di dân, đang có cùng những lo toan giống nhau cũng chia rẽ ở lần bầu cử này.

* Chuyện ứng cử: Chúng ta đã phản ứng quá căng thẳng?
* Sứ mạng của nước Mỹ cũng là nỗi đau của nước Mỹ

Sáng hôm sau đêm bầu cử sơ bộ giữa tháng 3, tôi lang thang vô một tiệm bán rượu ở Falls Church, Virginia. Tiệm này của nhà nước chuyên bán các sản phẩm của tiểu bang. Đang săm soi 1 chai Champagne thì giật mình! Chai này hiệu…. Trump.

Nghe tiếng ồ lên của tôi, chị bán hàng tới hỏi thăm. Chị có giọng nói và sắc diện giống như một người Ấn Độ. Chị vừa cười vừa nói với tôi là không biết chai rượu đó là của công ty của ông Trump hay không, nhưng chị biết chắc một điều là nếu ông ấy được ra đại diện cho đảng Cộng Hòa trong tháng 11 tới đây để tranh cử Tổng thống thì chị nhất định đi bầu dù mưa rơi tuyết đổ, chỉ với một mục đích duy nhất là gạch tên ông Trump.

Trưa hôm đó đang làm việc trên máy tính thì thấy một anh nhà báo người Việt ở miền Nam California post trên Facebook rằng cách ăn nói của ông Trump cũng hay hay, và nhất là có bà vợ siêu người mẫu xinh đẹp, cho nên kỳ này anh ta sẽ đi bầu cho ông Trump.

Dĩ nhiên tôi không nghĩ tất cả người Ấn Độ trên đất Mỹ sẽ gạch tên ông Trump, và không phải người Việt nào cũng thấy bà Trump xinh đẹp. Nhưng có thể thấy ngay trong cộng đồng di dân, tưởng chừng có cùng những lo toan giống nhau cũng chia rẽ ở lần bầu cử này.

Kết quả cuộc bầu cử sơ bộ đêm 15/3 làm cho hai ứng viên đứng đầu hai đảng Dân Chủ và cộng hòa củng cố thêm sức mạnh của mình.

Khác với phe dân chủ, phe cộng hòa lộn xộn hơn. Sau khi thượng nghị sĩ  Marco Rubio tuyên bố bỏ cuộc, cuộc đua còn lại gồm ba ông Trump, Cruz, và Kasich. Và rất có khả năng sau vòng sơ bộ, cả ba ông đều không đạt số phiếu cần thiết để đương nhiên được đại diện đảng, và thế là sẽ tranh cãi nhau trong đại hội đảng vào mùa hè sắp tới. Lúc tôi đang gõ những dòng chữ này thì các nhân vật quan trọng của đảng Cộng Hòa đang họp kín, nhưng lý do của buổi họp thì không có gì là kín cả, nó được tuyên bố công khai là các ông các bà ấy đang bàn cách không cho ông Trump đại diện đảng.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Ông Trump tuyên bố, nếu dẫn đầu số phiếu mà không cho ông đại diện đảng để tranh cử thì nhóm cử tri ủng hộ ông sẽ … quậy. Mặc dù ông nói câu này với thể giả định, nhưng nhiều người xem đó là một lời đe dọa. Tính chất đe dọa của câu nói này càng rõ hơn nếu người ta xem cái cách ông Trump kích động đám đông ủng hộ ông tấn công bằng lời nói, và cả bằng cơ bắp những người phản đối những buổi nói chuyện của ông (ông súyt bị ra tòa vì tội kích động đó.)

Một số người thuộc cả hai phe cộng hòa và dân chủ đều nói là đảng Cộng Hòa nay là đảng… Trump mất rồi.

Cả thế giới biết hệ thống chính trị Mỹ hầu như chỉ có hai phe dân chủ và cộng hòa tranh giành chính trường. Chính thức thì có nhiều đảng hơn thế, cũng như là có rất nhiều ứng viên tranh của Tổng thống khác ngoài các gương mặt dân chủ và cộng hòa mà chúng ta bàn đến lâu nay.

Tính lưỡng cực của chính trị Mỹ đã có từ buổi sơ khai thành lập Hiệp chủng quốc, nó cho phép lúc nào cũng có đối lập trong hệ thống nhà nước, nói nôm na là lúc nào cũng có sự tranh luận. Điều này đôi khi làm cho các quyết sách chính trị trở nên chậm chạp khi hai đảng cãi nhau quá nhiều.

Chúng ta đang ở giai đọan mà hai đảng cãi nhau dữ dội. Sự tranh cãi có thể bắt nguồn từ tính cách của chính khách. Chẳng hạn có nhiều ông nghị cộng hòa cứ thấy mặt ông Obama là nổi cáu! Nhưng điều quan trọng là hai đảng Dân Chủ và cộng hòa đại diện cho các giá trị rất khác nhau, chia rẽ trong lòng xã hội Mỹ, một nước Mỹ cổ súy cho toàn cầu hóa, và cũng đau đớn vì toàn cầu hóa.

Đảng Dân Chủ thấy rằng khí hậu trái đất đang thay đổi, thấy rằng nhà nước cần can thiệp nhiều vào y tế và giáo dục, thấy rằng công cuộc chống khủng bố phải cần có sự liên minh chứ một nình nước Mỹ không làm xuể, thấy rằng phải tôn trọng chọn lựa của người phụ nữ trong việc phá thai,…

Đảng Cộng Hòa nói là chuyện khí hậu trái đất nóng lên chỉ là sự tưởng tượng (có những trường tư ở Mỹ người ta vẫn không công nhận học thuyết tiến hóa), chuyện y tế giáo dục là chuyện lựa chọn của mỗi người, chuyện đối ngọai thì quân đội Mỹ phải đập thẳng tay bọn khủng bố, và bào thai đã là sự sống, không được hủy đi,…

Thống kê cho thấy chỉ tròn trèm 10% cử tri dân chủ lo ngại khủng bố, còn bên cộng hòa thì gấp mấy lần.

Tuy nhiên dân số nước Mỹ thay đổi nhanh chóng làm bất lợi cho các quan điểm của đảng Cộng Hòa. Một mặt là người di dân ngày càng đông, tầng lớp trẻ trung cũng đông lên. Những người này không chấp nhận những ý tưởng bảo thủ.

Những di dân và người trẻ tuổi thường sống ở các thành phố lớn, và các tiểu bang viền theo hai bờ đông tây của nước Mỹ. Vì thế ta thấy trong hai lần bầu cử Tổng thống vừa qua với hai chiến thắng vang dội của ứng cử viên đảng Dân Chủ Obama, các tiểu bang màu xanh của đảng Dân Chủ năm ở hai bờ biển, với những thành phố lớn và trung tâm công nghiệp. Các tiểu bang màu đỏ của đảng Cộng Hòa nằm ở vùng chính giữa xa xôi, hay các bang miền Nam nhiều nông dân.

Câu hỏi đặt ra phản biện sự phân chia này là tại sao trong các kỳ bầu giữa nhiệm kỳ đảng Cộng Hòa lại thắng lớn, và hiện đang kiểm soát quốc hội? Câu trả lời là các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ không có nhiều người đi bầu, đặt biệt là cử tri dân chủ nổi tiếng lười đi bầu.

Sự phân cực bây giờ lan tới bản thân đảng Cộng Hòa như chúng ta thấy cuộc chiến vẫn bất phân thắng bại giữa các đảng viên bảo thủ chống ông Trump (kỳ lạ là ông Trump cũng xưng mình đại diện cho các giá trị bảo thủ.)

Mà đảng Dân Chủ cũng đâu có yên trước sự thay đổi nhanh chóng của xã hội Mỹ và toàn cầu hóa.

Bà Tulsi Gabbard dân biểu liên bang của bang Hawaii gốc dân Thái Bình Dương (không xa dòng giống Đông Á) ủng hộ ông Bernie chống lại bà Clinton vì cho rằng bà này có thể có những chính sách đối ngoại mang tính sen đầm quốc tế.

Một đám đông cử tri dân chủ trẻ tuổi cũng ủng hộ đối thủ của bà Clinton vì chuyện nợ nần học hành, y tế.

Điều quan trọng sống còn của đảng Dân Chủ là số đông cử tri truyền thống là nhóm thợ thuyền không có kỹ năng cao cũng đang bơ vơ trước toàn cầu hóa và họ chạy theo ông Trump. Điều này có thể làm cán cân nghiêng về ông Trump ở các bang như Michigan, Illinois, thậm chí các thành phố lớn hậu cứ truyền thống của đảng Dân Chủ như New York.

Với cục diện hiện nay vẫn chưa biết chắc ông Trump có đại diện đảng Cộng Hòa hay không vào tháng 11 tới. Nhưng chắc chắn ông Trump đại diện cho chính ông thì đúng hơn là những gì người ta nói tới đảng Cộng Hòa bấy lâu nay. Nhiều nhân vật cộm cán của đảng Cộng Hòa cũng ủng hộ ông, như bà cựu thống đốc Alaska nhiều tai tiếng Sarah Pailin chẳng hạn, hay như gã hàng thần lơ láo Christ Christie.

Thậm chí người ta dự đoán đảng Cộng Hòa sẽ đổ vỡ phân ra làm hai, làm ba.

Một đảng chính trị to lớn lâu đời như đảng Cộng Hòa đổ vỡ thì nước Mỹ sẽ ra sao?

Ông Lindsey Graham, một dân biểu có thế lực của đảng Cộng Hòa, mới đây ra ủng hộ ông Ted Cruz, sau ngày các ứng viên cộng hòa mắng nhau như trẻ con, nói là ông thấy cái đảng của ông tiêu tới nơi rồi, và ông vừa nói vừa cười.

Bà Christine Todd Whitman cựu thống đốc tiểu bang New Jersey, là người thuộc đảng Cộng Hòa, nói tỉnh bơ là nếu mà ông Trump đại diện đảng thì bà sẽ bầu cho bà Hillary Clinton bên đảng Dân Chủ.

Lịch sử nước Mỹ cũng đã có nhiều đảng phái ra đời rồi biến mất, cũng trải qua những giai đoạn hùng mạnh, thành ra nếu như đảng Cộng Hòa từng có những nhân vật kiệt xuất như Lincoln, Reagan,… nay không theo kịp thời đại bị tan rã thì đối với người Mỹ âu cũng là chuyện bình thường, nước Mỹ vẫn tồn tại, và chắc có nước nào hiện nay trên quả đất này qua mặt họ đâu! Mà ông Trump thì sao? Ông ấy mà lên thì 4 năm nữa lại xuống thôi mà, bản thân ông có dám nói là cãi lại Hiến pháp đâu!

Sự tranh cãi và tan rã tuy có chậm chạp không ra được quyết định, nhưng nó sẽ làm cho các quyết định ít bị sai, nếu có sai thì cũng không lâu.

Mới đây tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc lấy chuyện ông Trump ra để chứng minh là cái hệ thống dân chủ kiểu Mỹ không hay ho gì, chia rẽ cãi cọ tùm lum. Nhưng không biết là Hoàn cầu thời báo có nghĩ tới chuyện là nếu không có hệ thống đó thì làm gì có Apple iphone mà các biên tập viên của họ đang xài, hơn thế có cả ngàn công nhân Trung Quốc ăn theo ấy chứ!

Joaquin Nguyễn, Virginia, nước Mỹ

* Cựu Chủ tịch Quốc hội bàn chuyện sửa Hiến pháp
* Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng đổi mới
* Tôi mong lãnh đạo quốc gia có tầm nhìn Lý Quang Diệu