Theo South China Morning Post, tối 24/3, nhiều kênh truyền thông Trung Quốc - trong đó có CCTV - lên tiếng phản đối H&M sau khi hãng thời trang Thụy Điển tuyên bố từ chối mua nguyên liệu từ Tân Cương, trong đó có bông.
Trước đó, chính phủ Mỹ và một số nước châu Âu trừng phạt hàng loạt quan chức Trung Quốc vì chính sách của nước này tại Tân Cương.
Ngay sau động thái của H&M, tất cả trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao, JD, Tmall… đều ngừng rao bán các sản phẩm của công ty Thụy Điển. "Tẩy chay H&M” nhanh chóng lọt top 5 từ khóa nổi bật nhất trên mạng xã hội Weibo.
“Tôi làm việc cho H&M đã lâu. Nhưng hôm nay, tôi chủ động xin nghỉ việc. Tạm biệt H&M”, một bài đăng trên Weibo đã thu hút hơn 200.000 lượt tương tác.
Một cửa hàng H&M tại Trung Quốc. Ảnh: WSJ. |
Tài khoản Weibo của CCTV và nhiều kênh truyền thông lớn của nước này đăng bài chỉ trích H&M dữ dội. Nhiều nghệ sĩ Trung Quốc cũng tuyên bố ngừng hợp tác với với H&M.
Công ty quản lý của tài tử Hoàng Hiên - đại sứ của H&M - cho biết Hoàng sẽ chấm dứt hợp đồng với hãng thời trang Thụy Điển. Tống Thiến - ngôi sao K-pop gốc Hoa, thành viên nhóm nhạc f(x) - cũng khẳng định sẽ ngừng hợp tác với H&M.
Tối cùng ngày, tài khoản Weibo của H&M đăng bài viết cho biết hãng tôn trọng khách hàng Trung Quốc và sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển lâu dài tại đây. H&M cho biết bông được cung cấp từ bên thứ ba, công ty không mua trực tiếp từ bất cứ nhà cung ứng nào.
H&M hiện có 445 cửa hàng tại 146 thành phố ở Trung Quốc. Đây là một trong 4 thị trường lớn nhất của H&M, với doanh số đạt hơn 1,13 tỷ USD trong năm 2020.
(Theo Zing)