Theo nhân viên một siêu thị, từ 5h sáng, đã có người đến xếp hàng chờ đợi mua thực phẩm. Nhân viên này ước tính, với tình trạng xếp hàng đông như vậy, thời gian chờ đợi để vào được siêu thị mua đồ cũng phải khoảng 2h đồng hồ.

“Tôi chờ từ 7h tới 9h hơn mới vào mua thịt được. Siêu thị giới hạn số lượng mua vì người quá đông”, bà Kim Lan - một người nội trợ - nói.

Khảo sát tại một số hệ thống phân phối như Vinmart+, Bách Hóa Xanh, San Hà, Vissan,... người vào mua hàng cho hay không cần phiếu đi chợ, một số người khác thông tin việc hệ thống phân phối đã hết rau xanh chỉ còn một số loại củ và thịt mát. “Do hôm nay là ngày cuối được ra đường mua sắm nên siêu thị cho ai vào mua cũng được”, chị Phương Thảo (quận Bình Thạnh) chia sẻ.

{keywords}
Quá đông người đi mua sắm giữa mùa dịch

Trong khi đó, các sạp cóc, tiệm tạm hóa xung quanh khu vực chợ Bà Chiểu, lượng người đi lại, tập trung ở mức đông. Người dân chủ yếu mua các mặt hàng tích trữ khô như nước mắm, dầu ăn, mỳ tôm, gạo bên cạnh đó các mặt hàng chả lụa, giò lụa cũng nhanh chóng “cháy hàng” từ sớm.

Tình trạng này kéo dài từ trưa 20/8, sau khi có thông tin chính quyền TP.HCM sẽ siết chặt quy định giãn cách từ 0h ngày 23/8.  Tổ trưởng dân phố trên địa bàn phường 2, quận Bình Thạnh, thông tin, đã dừng việc phát phiếu đi chợ cho tuần tới (từ 23-29/8).

Mặc dù trước đó, chiều 21/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã khẳng định “không thực hiện phong tỏa thành phố trong hai tuần tới” và chính quyền cam kết cung ứng đủ hàng hoá cần thiết, nhưng người dân vẫn đổ ra đường mua hàng tích trữ. Đây là nguy cơ lớn dẫn đến lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng khi biến chủng Delta có tính chất nguy hiểm, dễ lây lan.

{keywords}
Tập trung đông người tại chợ gây nguy cơ lây nhiễm bệnh cao
{keywords}
Đợi vào siêu thị mua hàng 

Cấp phường, xã, thị trấn sẽ cung ứng hàng hóa cho nhân dân

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, Sở Công Thương TP sẽ phối hợp với UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện rà soát tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu; thống kê cụ thể, cập nhật lại hệ thống các điểm bán của hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn; đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa, kịp thời hỗ trợ các địa phương tiếp cận nguồn cung hàng hóa, hướng dẫn các giải pháp phân phối hàng hóa cho người dân phù hợp, khả thi.

Ngoài ra, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Tổ cung ứng hàng hóa địa phương triển khai phương án cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

{keywords}
 Khu vực chợ Bà Chiểu sáng 22/8

Sở Công Thương cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn rà soát, thống kê nhân khẩu trên địa bàn (lưu trú, vãng lai) để đảm bảo hoạt động chăm lo, cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn.

Các địa bàn sẽ phải lựa chọn địa điểm tập kết hàng hóa để tiếp nhận hàng hóa từ hệ thống phân phối, tổ chức phân phối cho người dân; đánh giá năng lực hệ thống kho chứa, triển khai phương án trưng dụng, thiết lập kho chứa phù hợp, đảm bảo năng lực dự trữ lương thực, thực phẩm.

Đồng thời, tại địa bàn sẽ hỗ trợ các hệ thống phân phối trong công tác vận chuyển, dự trữ đầy đủ hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu. UBND cấp phường, xã, thị trấn được giao trách nhiệm tổ chức nhân sự, phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối tại cơ sở, triển khai phương án cung ứng hàng hóa phù hợp cho nhân dân.

Quảng Định

Ba lần dân Sài Thành đổ xô đi chợ bất chấp nguy hiểm đại dịch

Ba lần dân Sài Thành đổ xô đi chợ bất chấp nguy hiểm đại dịch

Tính từ thời điểm bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội từ 0h ngày 9/7, người dân TP.HCM có 3 lần tràn ra đường mua lương thực thực phẩm tích trữ, bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh.