Sau khi Không quân Israel tấn công các địa điểm của Hezbollah ở phía nam thành phố Sidon tại Lebanon hôm 24/5, một đoạn video đã hé lộ phần còn lại của tên lửa đất đối không Sayyad-2 do Iran chế tạo.
Giới chuyên gia cho rằng, Hezbollah có trong tay Sayyad-2 sẽ đồng nghĩa với việc Không quân Israel đối mặt với mối đe dọa lớn hơn nhiều ở miền nam Lebanon so với trên bầu trời Dải Gaza. Trong khi đó, Hezbollah đã tiến hành các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng với Israel, kể từ khi giao tranh giữa Israel và Hamas bùng nổ vào tháng 10/2023.
Sayyad-2 là tên lửa phòng không tầm trung được Iran phát triển. Tuy nhiên, Sayyad-2 có tầm bắn ngắn hơn so với các phiên bản sau này. Loại tiên tiến nhất là Sayyad-4B do Iran phát triển cho hệ thống phòng không Bavar-373 có tầm bắn khoảng 300km.
Hiện chưa rõ liệu Iran đã chuyển Bavar-373, loại vũ khí tương đương với S-300, cho Hezbollah cùng với tên lửa Sayyad 4/4B hay không.
Chia sẻ với tờ Business Insider, ông Nicholas Blanford, chuyên gia về nhóm Hezbollah của Hội đồng Đại Tây Dương tại Mỹ, nhận định “khả năng phòng không của Hezbollah là điều mờ mịt. Mọi người biết nhiều về các hệ thống khác trong kho vũ khí của Hezbollah hơn là hệ thống phòng không, bởi họ rất hiếm khi sử dụng. Nhưng nếu Iran sở hữu hoặc có một hệ thống phòng không phù hợp với nhu cầu của Hezbollah, chắc chắn Hezbollah sẽ có thể có hệ thống đó”.
Cũng theo ông, so với tên lửa vác vai, việc Hezbollah sở hữu những tên lửa như Sayyad-2 "chắc chắn sẽ làm tăng mức độ đe dọa" đối với dàn máy bay quân sự của Israel.
Kể từ năm 2013, Israel đã duy trì chiến dịch không kích ở Syria nhằm ngăn cản các chuyến hàng chuyển vũ khí của Iran tới Lebanon để cản đường nâng cao năng lực quân sự của Hezbollah. Chiến dịch này còn được tăng cường, kể từ sau vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel. Điều này khiến Iran gặp khó khăn hơn nhiều trong việc chuyển vũ khí cho Hezbollah qua Syria. Trong quá trình làm nhiệm vụ, dàn máy bay quân sự của Israel đã né tránh, và đôi khi là phá hủy các hệ thống phòng không Tor và Pantsir tầm ngắn và tầm trung do Nga chế tạo.
Theo nhà phân tích Freddy Khoueiry tại công ty tình báo rủi ro RANE của Mỹ, “có thông tin cho rằng Hezbollah đã sở hữu tên lửa phòng không Sayyad-2 từ trước, và cuộc tấn công của Israel hôm 24/5 đã củng cố nhận định này. Thậm chí, Hezbollah được cho đã sử dụng Sayyad-2 để bắn hạ một số máy bay không người lái (UAV) Hermes 900 tiên tiến của Israel trên bầu trời Lebanon”.
“Trong những năm qua, Hezbollah tuyên bố đã nâng cao năng lực phòng không, và việc phát hiện Hezbollah sở hữu Sayyad-2 cho thấy họ đã có được các hệ thống phòng không tiên tiến đến mức nào”, ông Khoueiry nói.
Ông nói thêm, một số hệ thống phòng không của Hezbollah có thể tác động đến hoạt động của Không quân Israel trên bầu trời Lebanon.
“Nói chung, vũ khí của Hezbollah khó có thể ngăn cản Không quân Israel hoạt động trên bầu trời Lebanon, nhưng có thể sẽ buộc Israel phải thận trọng hơn, trong bối cảnh Hezbollah đang thay đổi chiến thuật và sở hữu năng lực tiên tiến hơn. Điều này có thể khiến Israel phải triển khai chiến đấu cơ bay ở độ cao cao hơn, hoặc sử dụng các máy bay tàng hình như F-35", ông Khoueiry cho hay.
Cũng theo ông, năng lực của Không quân Israel tiên tiến hơn nhiều, và có thể vượt qua các hệ thống phòng không của Hezbollah, từ đó duy trì ưu thế trên không to lớn. Song nếu quân đội Israel mở rộng hoạt động ở Lebanon, UAV và trực thăng của Israel có thể đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Ngoài ra, ông Khoueiry nghi ngờ ngoài tên lửa, Iran còn chuyển các hệ thống phòng thủ chiến lược như Bavar-373 cho Hezbollah để nhóm vũ trang ở Lebanon có thể sẽ sử dụng khi xung đột leo thang.