Chiều 14/3, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng đã thông tin về vụ việc được báo chí Malaysia đưa tin "cảnh sát Malaysia bắn chết 3 đối tượng bị cáo buộc là cướp tiệm trang sức, trong đó có 2 người Việt Nam".

Người phát ngôn cho biết, vừa qua báo chí Malaysia đưa tin 2 công dân Việt Nam và 1 công dân Bangladesh bị cảnh sát Malaysia bắn chết do tổ chức cướp các cửa hiệu.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tìm hiểu thông tin, xác minh nhân thân những người được cho là công dân Việt Nam.

Đại sứ quán Việt Nam đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại theo dõi vụ việc, điều tra xác minh làm rõ, "chúng tôi sẽ thông tin lại khi có cập nhật".

W-nguoi-ph225t-ng244n-pham-thu-hang.jpg
Người phát ngôn trả lời tại họp báo chiều 14/3. Ảnh: Phạm Hải

Theo báo chí Malaysia, ngày 11/3, 3 người này bị cảnh sát Malaysia bắn chết trong vụ đấu súng ở huyện Pekan, bang Pahang. Cảnh sát Malaysia cho biết, nhóm này hoạt động từ tháng 6 năm ngoái, nhắm vào các cửa hàng trang sức trong những dịp cửa hàng nghỉ bán, lấy đi số tài sản tổng trị giá khoảng 4 triệu ringgit (khoảng 21 tỷ đồng). 

Liên quan đến bảo hộ công dân tại Haiti, người phát ngôn dẫn thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba kiêm nhiệm Haiti thì tình hình bạo lực ở Haiti đang leo thang rất nhanh chóng, diễn biến phức tạp khiến nhiều người chết và bị thương.

Đại sứ quán đã triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân, khuyến cáo trên mạng xã hội những biện pháp hướng dẫn đảm bảo an toàn cho công dân. Đại sứ quán cũng cử cán bộ trực 24/7 để giữ liên lạc với đầu mối cộng đồng người Việt tại Haiti để liên tục cập nhật thông tin. 

Đại sứ quán phối hợp với cơ quan chức năng sở tại triển khai biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

"Theo thông tin chúng tôi nhận được người Việt tại Haiti vẫn an toàn", người phát ngôn nói. Đại sứ quán tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ liên lạc và xây dựng các kế hoạch bảo hộ công dân phù hợp diễn biến xung đột, đảm bảo an toàn cho công dân.

Bà Phạm Thu Hằng cho biết, số lượng người Việt Nam tại Haiti dao động từ 70-80 người.

Bộ Ngoại giao khuyến cáo tất cả công dân Việt Nam không nên đến những nơi đang xảy ra xung đột; với công dân ở địa bàn cần theo dõi sát tình hình, chủ động thực hiện các biện pháp cần thiết, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền sở tại và liên hệ ngay với Đại sứ quán hoặc tổng đài bảo hộ công dân khi cần trợ giúp.

Sớm đưa thi thể thuỷ thủ Việt trên tàu hàng trúng tên lửa về nước

Liên quan đến công tác bảo hộ công dân vụ tàu hàng True Confidence bị tấn công tại Biển Đỏ, khiến 3 người thiệt mạng trong đó có một thuỷ thủ Việt Nam, người phát ngôn thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Dibouti đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại, cơ quan chức năng trong nước, công ty phái cử thuyền viên cùng gia đình nạn nhân khẩn trương tiến hành thủ tục, lo hậu sự và sớm đưa thi thể thuyền viên về Việt Nam theo nguyện vọng của gia đình.

"Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước liên quan triển khai thủ tục lãnh sự để giúp 3 thuyền viên khác về nước", người phát ngôn nói.

432615892 1919469505166970 9039792959684735966 n.jpeg
3 thuyền viên Việt Nam tại sân bay về nước. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình thuyền viên tử nạn.

Bộ Ngoại giao đã trao đổi với các cơ quan chức năng trong nước, các công ty tàu biển sử dụng lao động Việt Nam nỗ lực bảo đảm an toàn tối đa cho thủy thủ và tuân thủ cảnh báo quốc tế về lịch trình nguy hiểm, rủi ro. Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo các cơ quan đại diện tại các nước trong khu vực xảy ra xung đột tiếp tục theo dõi và cập nhật tình hình, diễn biến an ninh tại địa bàn và sẵn sàng phương án bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, ngày 13/3, 3 thuyền viên trong vụ việc gồm: Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Tảo và Phùng Văn An đã khởi hành từ Djibouti về Việt Nam. Hôm nay 3 thuyền viên này về đến Hà Nội.

Đại sứ quán đã cử cán bộ lãnh sự sang Djibouti phối hợp với sở tại thực hiện việc đưa thi thể Đại phó Đặng Duy Kiên về nước.