Cuộc họp có sự tham dự của Đại điện ACWC về Quyền Phụ nữ và Quyền Trẻ em của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và Timor Leste (quan sát viên).

Tại Cuộc họp, các nước thành viên ASEAN đã cập nhật việc triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch công tác ACWC giai đoạn 2021-2025, bao gồm chấm dứt lạm dụng trên cơ sở giới tại nơi làm việc, giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, lồng ghép giới và hòa nhập xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tăng cường quyền năng kinh tế cho nữ lao động di cư, tăng cường sự tham gia của trẻ em…

Bên cạnh đó, ACWC đã nhất trí tiếp tục việc phối hợp với Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực về lồng ghép giới trong các trụ cột của Cộng đồng ASEAN thông qua việc thực hiện Khung Chiến lược về Lồng ghép giới ASEAN và Kế hoạch hành động khu vực về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

luuniem.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Cuộc họp là đánh giá cuối kỳ việc thực hiện Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về Xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em giai đoạn 2021-2025 và việc xây dựng Kế hoạch giai đoạn tiếp theo 2026-2030.

Bà Soukphaphone Phanit, Đại diện ACWC về Quyền Phụ nữ của Lào, Chủ tịch đương nhiệm của ACWC khẳng định việc đảm bảo và tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em trong suốt vòng đời là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN an toàn, bình đẳng và hòa nhập. Trong thời gian qua, ACWC đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức mới nổi mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt như mua bán người, xâm hại trên môi trường mạng, lao động trẻ em, quyền của phụ nữ khuyết tật và các vấn đề khác. Bà cũng hy vọng trong thời gian tới, ACWC sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường hợp tác với các cơ quan chuyên ngành và đối tác ASEAN nhằm thúc đẩy các hoạt động thay đổi quan hệ giới và các phương pháp tiếp cận tăng cường quyền năng cho trẻ em trong Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN đến năm 2045.

Nhóm PV