-  Báo VietNamNet nhận được đơn tố giác của một số công nhân viên của Công ty TNHH Panasonic Home Appliances Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long). Trong đơn công nhân nêu các vấn đề như: Rất nhiều lao động bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động và gây khó dễ sau khi tham gia đình công đòi quyền lợi chính đáng của mình.

TIN BÀI KHÁC

Khu công nghiệp Thăng Long - nơi các công nhân viết đơn gửi báo

Trù dập công nhân ?


Trong đơn gửi về báo VietNamNet, các công nhân có viết ngày 22/1/2011, do quá bức xúc với các vấn đề lương và chế độ nên toàn bộ các công nhân tại công ty trên đã đình công. Đến ngày 28/1/2011, ban giám đốc đồng ý tăng lương và vì sợ công ty cho nghỉ việc nên một nửa công nhân đã quay trở lại làm việc, còn một nửa công nhân còn lại buộc phải nghỉ việc và công ty đã đồng ý thanh toán lương ngay trong ngày với mục đích “đuổi công nhân đi càng nhanh càng tốt”.

Vấn đề làm các công nhân bức xúc hơn nữa là sau đó Ban giám đốc đã có hành vi trù dập người lao động. Đầu tiên là đuổi việc công nhân O. với một phần lý do "tự ý đình công trái pháp luật". Sau đó là trù đập nhiều lao động khác buộc họ viết đơn xin thôi việc. Đơn xin thôi việc được chấp thuận rất nhanh và sai với các quy định của pháp luật về sử dụng lao động.

Các công nhân tham gia đình công còn cho rằng khi tham gia đình công họ bị lập thành “danh sách đen”.

Đơn thư gửi về báo có gửi kèm bản danh sách công nhân tham gia đình công, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và biên bản mà Công ty cam kết "không sa thải những người lao động chấp hành tốt nội quy của Công ty"...

Thực hư cái gọi là "Strike worker list"?

Trả lời báo VietNamNet qua thư điện tử, Trưởng phòng nhân sự của Công ty TNHH Panasonic Home Appliances Việt Nam cho biết: “Việc Công nhân Lê Thị O. bị sa thải theo đúng luật lao động và nội quy công ty do có 3 biên bản khiển trách".

Cuộc đình công ngày 25/1/2011 là đình công bất hợp pháp do: Không do ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo (điều 172a BLLD). Không thực hiện đúng trình tự đình công theo điều 174 BLLD, bản yêu cầu do người lao động viết gồm khoảng 50 chữ ký (trong khi tổng số lao động khoảng 350 người) được gửi cho Ban giám đốc, không thông qua công đoàn, và chỉ sau 3 tiếng sau khi gửi yêu cầu đã thực hiện đình công.

Công ty không đáp ứng yêu cầu của công nhân trong cuộc đình công hôm đó. Tuy nhiên một số yêu cầu của công nhân trùng với kế hoạch của ban giám đốc đề ra cho tháng 4 (khi kết thúc năm tài chính) và được áp dụng từ tháng 4/2011.

Từng công nhân tham gia đình công đều được gặp Ban giám đốc để giải thích về chính sách công ty, tại thời điểm đó Ban giám đốc cho công nhân quyền lựa chọn tiếp tục hoặc nghỉ. Tất cả những người lựa chọn nghỉ việc đều là chấm dứt hợp đồng lao động thông thường, không ai bị sa thải.

Ngoài ra, Trưởng phòng nhân sự của công ty này còn cho biết thêm:về bản danh sách các công nhân tham gia đình công là có. Danh sách đình công được lưu vào hồ sơ nhân sự đồng thời nộp cho ban quản lý các khu công nghiệp và KCN Thăng Long theo đúng thủ tục hành chính, không ai gây khó dễ cho những người này”.

  • T. Phan