Mặc dù thường xuyên sửa đổi, bổ sung, cập nhật mới với hàng loạt thông tư hướng dẫn (58/2015, 12/2017, 38/2019, 01/2021, 04/2022…) nhưng trên thực tế lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe vẫn bộc lộ nhiều bất cập.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, một số quy định về đào tạo, sát hạch lái xe hiện đang áp dụng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo lái xe, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và học viên, lãng phí nguồn lực, thời gian của xã hội.

“Thậm chí có những quy định bất khả thi mà các cơ sở đào tạo không thể thực hiện được”, ông Quyền bày tỏ.

Theo đó, bất cập đầu tiên được thể hiện trong quy định về đào tạo nằm ở phần lý thuyết. Hiện quy định 5 môn học trong đó có 18 giờ cho môn “Cấu tạo và Sửa chữa thông thường”.

Ông Quyền cho biết, chỉ với thời lượng 18 giờ như “cưỡi ngựa xem hoa”, người học hiểu được cũng đã là khó, không thể nói đến sửa chữa, kể cả sửa chữa vặt.

“Mặt khác, xã hội ngày càng chuyên môn hóa nên việc sửa chữa đã có các đơn vị làm dịch vụ, cứu hộ. Vì vậy nội dung này chỉ nên gói gọn trong phần: Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng”, ông Quyền nêu ý kiến.

Nhiều học viên gặp khó với quy định thời gian học thực hành trên đường công cộng quá nhiều (Ảnh: N. Huyền)

Hay như môn “Xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng”, theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, với môn này người học hoàn toàn bị áp đặt cách xử lý của người viết phần mềm.

“Với người học lái xe để bảo đảm an toàn, cần “xử lý non”. Tuy nhiên trên clip người học xử lý non hơn người viết phần mềm là không đạt.

Trong khi mỗi người có cách xử lý tình huống phù hợp với hoàn cảnh, không thể áp đặt tư duy, nhận định tình huống trên màn hình vào thực tế. Đây là điều rất bất hợp lý”, ông Quyền nhấn mạnh.

Quá nhiều giờ học trên đường công cộng 

Ở phần thực hành, theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư 04/2022 quy định thời gian thực hành trên xe tập lái của 1 học sinh là 84 giờ đối với hạng B1 và B2. Trong đó có 41 giờ thực hành trong sân tập lái (tương ứng với 290km) và 40 giờ thực hành trên đường giao thông (tương ứng với 810km).

Theo ông Quyền, đây là quy định rất bất hợp lý, không phù hợp với thực tế dẫn đến nhiều hệ lụy.

“Về tốc độ và nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ, lái xe trong hình hiện nay học sinh trung bình chỉ có thể đi được 3,5km/h trong khi quy định bắt buộc phải chạy được trung bình 7km/h.

Lái xe trên đường giao thông học sinh trung bình đi được 35 km/h trong khi quy định chỉ cho phép đi trung bình 20,2km/h.

Với số lượng xe tập lái hiện đại đang chạy nườm nượp trên đường giao thông như hiện nay, nếu đi đúng tốc độ trung bình 20,2km/h theo quy định (tương đương tốc độ của một chiếc xe ngựa kéo) thì chỉ riêng áp lực đối với người lái xe vì phải đi quá chậm đã là rào cản rất nguy hiểm cho trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Bởi tốc độ này cũng đã được nhắc đến như một nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông trong một cuộc hội thảo về an toàn giao thông đường bộ do Bộ GTVT tổ chức”, ông Quyền thông tin. 

Hơn thế nữa, nếu tính đúng tính đủ chi phí cho phần học thực hành (tương đương với lái xe taxi) thì chi phí thực tế cho xe, sân tập và thầy dạy 81 giờ xấp xỉ 30 triệu đồng. Trong khi giá hiện hành chỉ ở mức trên dưới 10 triệu/học viên/ khoá đào tạo học lái xe.

Theo ông Quyền, để dạy một người biết lái xe chỉ cần trên dưới 30 giờ thực hành là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với kỳ thi sát hạch được coi là loại hình thi khoa học và minh bạch nhất hiện nay ở Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo.

“Việc quy định quá nhiều giờ thực hành như hiện nay gây phát sinh chi phí không cần thiết và thời gian cho cả cơ sở đào tạo lẫn người học”, ông Quyền nhấn mạnh.

Được biết, mới đây Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét tính hợp lý và khả thi của một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm sửa đổi các quy định hiện hành trong lĩnh vực này theo hình thức rút gọn.

Theo đó, hiệp hội này kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi chương trình đào tạo lái xe, đặc biệt là sửa đổi nội dung học lái xe trên đường giao thông công cộng theo hướng giảm số giờ học, không quy định bắt buộc học đầy đủ các tình huống có tính đặc thù vùng miền để đảm bảo tính khả thi.