Những phụ nữ sử dụng một chiếc vòng nhét âm đạo, có tẩm thuốc chống AIDS một lần mỗi tháng, được bảo vệ một phần trước việc lây nhiễm virus HIV, theo một nghiên cứu mới.

{keywords}
Kết quả nghiên cứu bước đầu ghi nhận, vòng nhét âm đạo, có tẩm thuốc chống AIDS thực sự có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở phụ nữ. Ảnh: Corbis

Các chuyên gia vừa công bố những kết quả được chờ đợi lâu nay từ 2 cuộc nghiên cứu lớn ở châu Phi. Chúng cho thấy, chiếc vòng nhét âm đạo có tẩm thuốc chống AIDS đã chứng minh an toàn, mặc dù tác dụng bảo vệ còn khiếm tốn, chỉ giảm gần 1/3 nguy cơ lây nhiễm HIV nói chung.

Đáng ngạc nhiên là, vòng tránh HIV tỏ ra hiệu quả hơn nhiều ở phụ nữ từ 25 tuổi trở lên. Điều này khiến các nhà nghiên cứu hoài nghi việc các chị em trẻ hơn, vốn được hưởng lợi ít hoặc không hưởng lợi từ việc sử dụng công cụ này, đơn giản đã không dùng nó đúng cách.

Phụ nữ hiện chiếm hơn một nửa trong số gần 37 triệu người đang sống chung với HIV trên khắp thế giới. Phần lớn trong số họ cư trú ở châu Phi - vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch HIV/AIDS. Giới khoa học từ lâu đã tìm kiếm các công cụ để giúp phái yếu bảo vệ bản thân khi bạn tình không muốn sử dụng bao cao su.

Bất chấp các hoài nghi dấy lên từ các nghiên cứu, tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội các chất khử trùng quốc tế (IPM) tuyên bố, họ coi những kết quả bước đầu nói trên là đủ hứa hẹn để tìm kiếm sự phê chuẩn pháp lý thích hợp cho việc sử dụng vòng rộng rãi hơn ở châu Phi.

Tiến sĩ Zeda Rosenberg, một lãnh đạo của IPM, giải thích: "Bạn không thể chỉ nói: 'Cho tới khi mọi thứ hoàn hảo, chúng ta sẽ phải đợi'. Đối với một người phụ nữ, việc có một công cụ bảo vệ, giúp cô ấy có thể kiểm soát (việc lây nhiễm bệnh) là mục tiêu vô cùng quan trọng. Tôi muốn các vòng tránh HIV, thuốc và các biện pháp khác sẵn có, dễ tiếp cận với phụ nữ để họ có thể đưa ra lựa chọn thích hợp cho mình".

Ngoài bao cao su, các công cụ phòng chống HIV hiện có bao gồm cả việc uống một viên thuốc chống AIDS hàng ngày. Song, biện pháp "tiền phơi nhiễm" này không phổ biến rộng rãi ở các quốc gia nghèo. Các nỗ lực khác nhằm bào chế ra gel bôi âm đạo ngừa HIV vẫn chưa thành công.

Do sự khác biệt về lứa tuổi được phát hiện trong các nghiên cứu về vòng tránh HIV đặt âm đạo nói trên, Viện sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH), cơ quan tài trợ cho nghiên cứu công cụ này, dự kiến sẽ tham vấn các chuyên gia bên ngoài về những bước nghiên cứu tiếp theo.

Theo tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm của NIH, điều thiết yếu là xác định xem liệu các phụ nữ trẻ hơn (dưới 25 tuổi) có thực không tuân thủ hướng dẫn sử dụng hoặc liệu có tồn tại sự khác biệt sinh học nào đó giữa các lứa tuổi ở phái yếu hay không.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)