Trong bộn bề công việc cuối năm phải cố gắng hoàn thành đúng tiến độ, thời gian qui định của trường, phòng giáo dục - ôn tập, kiểm tra học kỳ II, chấm bài kiểm tra, nhập điểm, tổng kết điểm, xét học lực, hạnh kiểm, vào sổ điểm chính, vào học bạ, vào phiếu liên lạc… - có một điều mà thầy cô mãi vương vấn, trăn trở. Đó là việc xếp loại hạnh kiểm học sinh.
Vì sao như vậy?
Đã nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, năm nào cũng vậy, tôi cùng đồng nghiệp tham gia xét hạnh kiểm học sinh. Phải nói là việc này nhiều lúc gây ra sự bất đồng ý kiến, quan điểm giữa thầy cô với thầy cô, giữa thầy cô với phụ huynh.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Việc xếp loại hạnh kiểm học sinh là căn cứ vào Điều 42, Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo thông tư số:12/2011/TT – BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT), đặc biệt là theo Điều 3, Điều 4 Thông tư số 58/2011/TT – BGDĐ (Ban hành quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh phổ thông).
Tuy nhiên, thực tế hành vi, vi phạm của học sinh về nội quy của trường diễn ra muôn màu muôn vẻ về hình thức, tính chất, động cơ, mức độ vi phạm.
Mỗi trường hợp đều khác nhau, không thể lấy học sinh A làm chuẩn để xét học sinh B…, và cũng không thể so sánh hạnh kiểm em này với em khác được.
Vì vậy, việc xét hạnh kiểm học sinh cuối năm khiến thầy cô rất đau đầu, không thể tránh khỏi bất đồng và mất thời gian.
Nhiều khi, thầy cô còn phải chịu tai tiếng với phụ huynh, học sinh.
Ngoài ra, còn nguyên nhân khiến việc xét hạnh kiểm gây mất hòa khí trong giáo viên là vấn đề tâm lý.
Điều này xuất phát từ việc giáo viên chủ nhiệm lớp luôn muốn bảo vệ học sinh của mình, muốn lớp có nhiều học sinh hạnh kiểm tốt, khá hơn lớp đồng nghiệp, nên tìm mọi lý lẽ để bảo vệ việc xếp hạnh kiểm của mình là chính xác - giống như luật sư bảo vệ thân chủ của mình trước tòa.
Còn việc xếp loại hạnh kiểm học sinh trung bình, yếu là việc cực chẳng đã, ngoài ý muốn đối với giáo viên chủ nhiệm lớp, cũng bởi vì cái gọi là thủ tục hành chính trói buộc giáo viên.
Để có căn cứ xếp loại học sinh hạnh kiểm trung bình hay yếu thì cần phải có hồ sơ đầy đủ: Bản tường trình vi phạm, bản kiểm điểm, biên bản vi phạm do lớp lập, biên bản vi phạm do Đội lập, tang chứng, vật chứng…
Rồi phải mời phụ huynh học sinh vi phạm đến để thông báo. Nếu phụ huynh không đồng ý thì lập hội đồng kỉ luật để xem xét.
Hỏi thủ tục như vậy thử hỏi giáo viên nào có đủ quyết liệt theo đuổi cái gọi là “tranh tụng”?
Thôi thì “dĩ hòa vi quý” cho qua, bởi không khéo lại "rước họa vào người" như nhiều thầy cô tâm sự.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Một ví dụ là cuối năm học trước, một học sinh lớp 8 có “bản thành tích” thường xuyên vi phạm nội quy trường: Không đeo khăn quàng, bỏ áo ra ngoài, để tóc kiểu nhuộm màu râu bắp, trong lớp thì quậy phá không học bài, chép bài, vô lễ với thầy cô.
Ấy vậy mà khi hội đồng xét hạnh kiểm em xếp loại trung bình, tôi bất ngờ khi phụ huynh phản đối với lý do “cháu nhỏ dại, mong thầy bỏ qua, nếu để hạnh kiểm trung bình sau này cháu mặc cảm với bạn bè, hàng xóm, ảnh hưởng đến tương lai…”, đủ điều.
Phụ huynh em học sinh đó tìm đến nhà tôi cố thuyết phục (vì tôi là chủ nhiệm lớp).
Tôi trả lời việc xét hạnh kiểm học sinh là do hội đồng nhà trường căn cứ vào mức độ vi phạm, căn cứ vào điều lệ trường quyết định, không phải do cá nhân tôi.
Nhưng phụ huynh cũng không chịu, khi ra về có thái độ bực tức và lẩm bẩm “Thầy ác quá!”. Tôi tự cảm thấy xót xa cho mình.
Không bằng lòng, hôm sau phụ huynh còn đến trường gặp thầy hiệu trưởng để chất vấn vì sao, tại sao?
Sau khi nghe chuyện, thầy hiệu trưởng giải thích và khuyên em sang năm cố gắng rèn luyện, không vi phạm nội quy nữa thì nhà trường sẽ đánh giá tốt. Đây chỉ là hạnh kiểm của năm lớp 8 thôi, vẫn còn cơ hội cho em rèn luyện trong những năm học sau...
Nhưng tiếc rằng, sau học kỳ I năm lớp 9/3, em học sinh này đã nghỉ học. Cô giáo chủ nhiệm lớp của em nhiều lần đến nhà vận động đi học lại nhưng không có kết quả.
Qua đây, mong phụ huynh, học sinh thông cảm cho thầy cô khi xét hạnh kiểm con em mình.
Bởi vì, có thầy cô nào lại không thương học sinh khi đã chọn ngành sư phạm, phải không?
Nguyễn Văn Lực (Giáo viên trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)