Nguồn biển năm số còn rất dồi dào, có tới 14.000 số ngũ linh (năm số giống nhau), nếu tính lạc quan mỗi biển số đẹp 1 tỉ đồng thì số tiền thu về lên tới 14.000 tỉ đồng.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng cơ chế về việc đấu giá biển số ô tô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5-2017.
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề đấu giá biển số ô tô được đề cập. Trước đó, nhiều ý kiến cũng từng đề xuất việc này, thậm chí đã có địa phương làm thí điểm. Tuy nhiên, đến nay việc đấu giá biển số đẹp vẫn đang gặp phải nhiều vướng mắc về mặt pháp lý.
Hoàn toàn ủng hộ
Ông Nguyễn Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho hay ông hoàn toàn ủng hộ việc đấu giá biển số xe đẹp.
Theo ông Liên, dù việc cấp biển số hiện nay là ngẫu nhiên nhưng thực tế có khá nhiều biển số đẹp được gắn vào các xe siêu sang, xe đắt tiền. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về tính minh bạch trong công tác cấp biển số cũng như những xì xầm về việc muốn sở hữu biển đẹp thì phải mất tiền nhưng số tiền này lại chỉ vào túi một nhóm người chứ Nhà nước không được hưởng gì.
“Đấu giá biển số xe cũng đã được nhiều nước áp dụng, thậm chí một số quốc gia còn đấu giá biển số của nội thành nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Số tiền từ công tác đấu giá sẽ là nguồn lợi cho đất nước để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Ngoài ra, đấu giá cũng giúp điều tiết thu nhập giữa người có thu nhập cao và thấp, bởi các đối tượng tham gia đấu giá sẽ là những người có điều kiện kinh tế” - ông Liên nói.
Trên thực tế, pháp luật chưa quy định biển số xe là một loại tài sản nên chưa thể tiến hành đấu giá. |
Ủng hộ việc đấu giá biển số xe đẹp, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng thực hiện việc này sẽ đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Ông tính toán hiện nay nguồn biển năm số còn rất dồi dào, có tới 14.000 số ngũ linh (năm số giống nhau), nếu tính lạc quan mỗi biển số đẹp 1 tỉ đồng thì số tiền thu về lên tới 14.000 tỉ đồng.
Một cán bộ Phòng CSGT (PC67 Công an TP Hà Nội, đề nghị không nêu tên) cũng cho rằng nếu áp dụng đấu giá biển số sẽ rất tốt. Thứ nhất là đảm bảo khách quan khi tiền đấu giá được đưa về đúng nơi quy định, thứ hai là chống tiêu cực trong cấp biển số, bởi hiện công tác này còn tình trạng xin-cho.
Vướng luật nên bàn mãi không xong
Vị cán bộ PC67 Công an TP Hà Nội nêu trên cho biết đơn vị đã từng đề xuất đấu giá biển số xe nhiều lần nhưng vì vướng mắc cơ sở pháp lý nên chưa thể thực hiện.
“Luật Bán đấu giá tài sản cũng như các luật khác chưa quy định biển số xe là tài sản. Muốn đấu giá phải có văn bản của Nhà nước quy định biển số là một loại tài sản, các địa phương không thể tự ý được” - vị cán bộ này cho hay.
Luật sư Trần Tuấn Anh cũng có ý kiến tương tự. Ông phân tích: Luật Bán đấu giá tài sản quy định tài sản bán đấu giá là động sản, bất động sản, giấy tờ có giá và các quyền tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật. Biển số xe không nằm trong danh mục này, dù muốn đấu giá cũng không có căn cứ pháp lý để triển khai.
“Cần phải sửa luật về nội hàm của tài sản bao gồm cả biển số xe, sau đó lại phải thể chế hóa biển số là tài sản độc lập, lúc đó mới có thể mua bán” - LS Tuấn Anh nói.
Tỉnh nào thì đấu giá ở tỉnh đó?
Luật sư Trần Tuấn Anh cũng lưu ý một số vấn đề khi đấu giá biển số xe. Điển hình, việc chuyển nhượng biển số đẹp sau khi đã bán đấu giá sẽ gây nên tình trạng khó quản lý, trường hợp đấu giá không minh bạch sẽ khiến tiền thất thoát hoặc những biển số đẹp đã đăng ký hiện nay thì không thể thu hồi để bán…
Về lo ngại việc đấu giá gây khó khăn cho công tác quản lý xe, vị cán bộ PC67 Công an TP Hà Nội khẳng định không quá phức tạp. Khi trúng đấu giá, biển số đó sẽ là tài sản của người tham gia đấu giá, họ có thể tặng, bán hoặc cho ai đều được. Biển số đó cũng có thể đăng ký cho bất cứ phương tiện nào, kể cả việc thay đổi biển số hiện đang dùng.
“Tất cả công dân Việt Nam đều có quyền đăng ký đấu giá. Nhưng theo tôi, để thuận lợi cho công tác quản lý, chúng ta nên quy định tỉnh nào thì đấu giá theo tỉnh đó. Bởi người khác tỉnh khi đấu giá có thể gặp khó khăn khi đăng ký xe” - vị cán bộ nêu ý kiến.
Góp ý thêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Nguyễn Danh Liên nhấn mạnh: Quan trọng nhất, việc đấu giá biển số phải minh bạch và có sự giám sát của người dân. Ví dụ, những biển đẹp và quá trình đấu giá phải được công khai trên mạng. Khi tổ chức đấu giá, ngoài các cơ quan như công an, giao thông thì phải có những tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho người dân tham gia giám sát.
Chờ Bộ Công an làm quy chế rồi sẽ góp ý Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu quy chế đấu giá biển số xe. Hiện Bộ Công an đang trong quá trình chuẩn bị nội dung, khi Bộ Công an hoàn thiện nội dung thì Bộ Tài chính sẽ đưa ra ý kiến góp ý chính thức. Ông Thắng nêu quan điểm nếu thực hiện được đấu giá biển số xe là rất tốt. Bởi hiện nay chưa có quy định nào về đấu giá hay thu phí với biển số đẹp. Số tiền thu được từ đấu giá biển số có thể dùng vào chính sách an sinh xã hội, từ thiện… Vị này cũng chia sẻ, trước đây việc đấu giá biển số xe đã từng được đặt ra bàn thảo nhưng khi đó có nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng đấu giá biển số đẹp là cổ súy mê tín dị đoan... |
(Theo Pháp luật TP.HCM)