Anh N.V.T. (31 tuổi, trú tại Thái Nguyên) và vợ tới Bệnh viện K (Hà Nội) khám vì dấu hiệu đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Theo bệnh nhân, cứ ăn xong 30 phút, anh lại bị đau bụng, muốn đi vệ sinh.
Khi nội soi, bác sĩ phát hiện đại tràng của anh T. có hàng trăm polyp, kích thước to nhỏ khác nhau. Bác sĩ tiến hành cắt các polyp to theo nhiều đợt. Bệnh nhân sẽ phải thực hiện nội soi định kỳ 6 tháng/lần. Với tình trạng đa plolyp như anh T., nguy cơ ung thư đại tràng sau tuổi 40 rất lớn.
Một trường hợp khác là nam thanh niên 26 tuổi vào bệnh viện nội soi vì thường xuyên đại tiện, đau bụng râm ran vùng hạ vị. Khi nội soi đại tràng cho bệnh nhân, bác sĩ phát hiện nhiều polyp có loét sùi. Với tổn thương này, nguy cơ tiến triển thành ung thư vài năm tới lên tới 99%.
Nam bệnh nhân trẻ có thói quen ăn thịt nướng, thịt đỏ, các thực phẩm chế biến sẵn. Yếu tố này làm tăng nguy cơ ung thư hóa hơn.
Bác sĩ Hà Vũ Thành, Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K, cho biết, polyp đại tràng là dạng lành tính. Tuy nhiên, theo thời gian, một số thể thay đổi cấu trúc, trở nên ác tính trong đó có trường hợp đa polyp. Đây là biểu hiện đặc trưng khi trong đại trực tràng có hơn 100 polyp.
Hội chứng trên có khả năng gây ung thư cao và có tính di truyền. Nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người thừa hưởng gene này từ cha mẹ và khoảng 25-30% ca bệnh, đột biến gene xảy ra tự phát.
Đa polyp tuyến gia đình thường diễn biến âm thầm và không có triệu chứng. Đa phần các trường hợp không thấy triệu chứng rõ rệt cho đến khi mắc ung thư đại tràng. Bệnh nhân tới khám do rối loạn tiêu hóa kéo dài, đại tiện phân có máu, gầy sút cân. Bệnh được phát hiện qua nội soi đại trực tràng.
Theo bác sĩ Thành, bệnh có tính chất di truyền, khi một người trong gia đình mắc đa polyp, ung thư đại tràng thì người thân như bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột phải đi khám sàng lọc càng sớm càng tốt.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K, cho biết thêm với người mắc đa polyp gia đình nếu không được điều trị, dự phòng, họ sẽ bị ung thư sau tuổi 40.
Hiện nay, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 4 ở Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày về số ca mắc. Bệnh có biểu hiện ở mọi bộ phận trên đường tiêu hóa:
- Người bệnh cảm nhận hơi thở có mùi hôi, ợ chua, ợ hơi, đau tức vùng bụng trước hoặc sau ăn, chán ăn, khó tiêu hóa, bụng trướng căng dẫn tới cơ thể mệt mỏi, sụt cân.
- Biểu hiện đi vệ sinh nhiều lần, giống bệnh lị, mót rặn, khó chịu khi đi đại tiện. Người mắc ung thư đại trực tràng sẽ có xu hướng tạo phân nhiều hơn. Vì vậy, đại tiện nhiều hơn 4 lần/ngày và thường trong tình trạng tiêu chảy có thể là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh nguy hiểm này.
Thực trạng ở Việt Nam nói chung và Bệnh viện K nói riêng, bệnh nhân phát hiện giai đoạn sớm chỉ chiếm 20-30%, 70-80% là giai đoạn 3, 4.
Phó giáo sư Bình nhấn mạnh kiểm tra đại trực tràng thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư. Nếu có polyp tiền ung thư, bác sĩ cắt bỏ dự phòng.
Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Bình khuyến cáo người dân hạn chế ăn các loại thịt đỏ. Bổ sung thức ăn chứa nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây. Chất xơ được coi như “chổi quét” các chất độc hại ra khỏi lòng ruột sớm, giảm thời gian ứ đọng phân.
Trong sinh hoạt hằng ngày, hạn chế các loại nước uống chứa cồn, rượu bia, thuốc lá. Tăng cường các hoạt động thể lực, vận động.