Tổng cục Khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đưa ra hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh sạt lở đất, lũ quét.

Lũ quét là một loại lũ đặc biệt lớn, dòng chảy xiết, có hàm lượng chất rắn cao và sức tàn phá lớn. Đặc điểm chính của lũ quét là chứa lượng vật rắn rất lớn, thường chiếm 3-10%, thậm chí trên 10% nên còn được gọi là lũ bùn đá.

lu lut-nghean-tran-hang.png
Nước lũ tràn qua cổng Trung tâm Chính trị huyện Kỳ Sơn, Nghệ An hồi tháng 10/2022.

Lũ quét thường xảy ra khi có lượng mưa lớn và kéo dài ở lưu vực các sông suối nhỏ miền núi, có độ dốc lớn, mặt lưu vực bị phong hoá mạnh, kết cấu kém. Lũ quét thường xảy ra trong thời gian ngắn (3-6h) vào ban đêm và sáng sớm, trong các tháng mùa lũ. Hiện nay chưa có khả năng dự báo được lũ quét.

Những việc cần làm thường xuyên để đảm bảo an toàn trước khi lũ quét

- Thường xuyên theo dõi thông tin mưa lũ trên báo, đài, tivi hoặc qua loa phát thanh công cộng, các mạng xã hội, quan sát các dấu hiệu có thể xảy ra lũ quét;

- Tham gia tích cực các cuộc họp thôn bản để biết thông tin về mưa lũ và các biện pháp phòng ngừa;

- Xác định vị trí an toàn hơn có thể trú ẩn khi có tình huống xảy ra; 

- Không nên xây nhà tại những nơi thường có lũ xảy ra, nơi gần dòng chảy có tốc độ cao. Di dời nhà cửa đến vùng đất an toàn hơn;

- Chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc và đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc, xẻng, cuộn dây;

- Không phá rừng đầu nguồn hoặc khai thác gỗ bừa bãi. Trồng cây và bảo vệ rừng

Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, cần có các phương án cụ thể để phòng tránh.

Theo đó, chọn các khu vực, vị trí cao không bị ảnh hưởng của lũ quét, xây dựng một số nhà kiên cố để tập kết các tài sản, lương thực và con người khi có lũ quét. Có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em.

Lũ quét thường xảy ra rất nhanh và bất ngờ. Vì thế, người dân cần hạn chế đi lại qua sông suối sau lũ. Ngoài ra, nên di chuyển nhà tới những nơi an toàn trong trường hợp chỗ ở cũ bị san lấp hoàn toàn hoặc quá nguy hiểm.

Dấu hiệu nhận biết nguy cơ sạt lở đất và nguyên tắc di dời

Cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc, xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sạp…; Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra; Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền; Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng.

Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi, vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.

sat lo.png
Dấu hiệu nhận biết sạt lở đất. Nguồn: Tổng cục Khí tượng thủy văn

Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.

Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra. Việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.

Khi di dời cần đảm bảo theo nguyên tắc: đảm bảo tính mạng con người trước, tài sản sau; di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước.

Địa điểm di dời là những nơi sinh hoạt cộng đồng như: trường học, bệnh viện hoặc những nhà kiên cố an toàn trong những vùng lân cận; mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết như: nước uống, thức ăn, thuốc men, quần áo và đèn pin…

Văn Công và nhóm PV, BTV