Lò cao kháng chiến Hải Vân (hay còn gọi là lò đúc gang Hải Vân) được xây dựng trong hang núi Đồng Mười, thuộc thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh (Thanh Hóa).

Mặc dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng lò đúc được xem như kỳ tích của ngành quân giới Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Theo tài liệu lịch sử, năm 1947 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã chuyển sang giai đoạn cam go ác liệt, các trận đánh lớn nhỏ diễn ra rộng khắp trên các vùng miền của Tổ quốc.

Vào được bên trong khu vực lò cao phải đi qua cửa hang đá.
Khu vực hang đá - nơi sản xuất gang thép phục vụ kháng chiến.
Lò đứng và lò ủ để sản xuất phôi gang.

Lúc này Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao cho Cục Quân giới (Bộ Quốc Phòng) nghiên cứu, xây dựng và vận hành các lò cao luyện gang, tạo các phôi thép cung cấp cho các binh công xưởng sản xuất vũ khí, trang bị cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh Pháp.

Trước nhiệm vụ cấp bách ấy, Sở Khoáng chất kỹ nghệ (Trung bộ) và Cục Quân giới (Việt Bắc) đã phối hợp quyết định chọn vùng rừng núi Như Xuân làm địa điểm xây dựng công xưởng.

Năm 1949, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, địa điểm thung lũng Đồng Mười, xã Hải Vân (nay thuộc thị trấn Bến Sung), huyện Như Thanh được chọn làm điểm xây dựng lò cao.

Bức tường ngăn cách ngăn hang chính và hang phía Bắc.
Lò gió nóng gần như còn nguyên vẹn.
Khu sản xuất chỉ vỏn vẹn trong lòng hang.

Lò cao NX1 có dung tíc 6.7m3 (cỡ nhỏ), thuộc loại bán cơ khí, được xây bằng gạch chịu lửa, có vỏ tôn bao bọc, công suất trung bình khoảng 2 tấn/ngày. Lò cao NX2 có dung tích 01m3 dùng để thí nghiệm và chuẩn bị cho việc sản xuất tại lò cao NX1.

Cuối năm 1953, địch dò được xưởng cơ khí bí mật của ta, chúng ra sức dội bom bắn phá. Trước tình thế ấy, ta đã quyết định di chuyển ngay vào trong hang đá Đồng Mười, xây dựng thành công lò cao NX3 và tiếp tục sản xuất.

Bức tường đá được xếp rất ngăn nắp.
Lò đúc gang.
Hang phía Nam dùng làm kho quặng đá vôi và than để phục vụ sản xuất.
Khu vực ngoài cửa hang được xây dựng một ngôi nhà bia khái quát về di tích.

Lò cao NX3 cao 13m, dung tích 7,3m3, công suất 3 tấn/ngày. Lò khánh thành đúng dịp quân và dân ta giành chiến thắng oanh liệt tại đèo Hải Vân. Sau chiến thắng này, lò cao NX3 chính thức được đổi tên thành lò cao kháng chiến Hải Vân.

Từ cuối năm 1951 đến tháng 7/1954 lò cao kháng chiến Hải Vân đã sản xuất được trên 500 tấn gang phục vụ cho kháng chiến.

Năm 2013, lò cao kháng chiến Hải Vân đã được Bộ VH-TTDL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Do bỏ hoang trong thời gian dài, dấu tích còn lại ở di tích lò cao Hải Vân không còn nhiều. Lòng hang Đồng Mười còn khu lò đứng (lò ủ gang) là còn tương đối nguyên vẹn hình dáng, nhưng lớp vỏ bằng sắt đã bị hoen rỉ, thủng lỗ chỗ nhiều vị trí. Các khu vực lò sấy, lò gió nóng... cũng không còn nguyên vẹn.

Năm 2015, khu lò cao này mới có dự án bảo tồn, tôn tạo lại giá trị của di tích.