Đình làng Động Bồng được xây dựng từ đời vua Gia Long thứ 10 (1812), thờ thành hoàng Tô Hiến Thành, vị quan thời Lý có tiếng chính trực, công minh, luôn giúp đỡ người nghèo.
Ở ngôi làng này, từ xưa đã có tục đốt Đình Liệu (đốt lửa) vào đêm 30 Tết. Tục này hiện nay ở tỉnh Thanh Hoá không có địa phương nào còn lưu giữ.
Ông Bùi Văn Lô (77 tuổi), Trưởng Ban nghi lễ làng Động Bồng cho biết, để đốt Đình Liệu vào thời khắc giao thừa, hàng năm vào tháng Chạp dân làng cử trai tráng lên núi Ba Trạc, Bái Bò, Đầu Voi... tìm cây đóm (loại cây có dầu rất dễ bắt lửa), chọn những đoạn cây vừa chắc vừa dẻo làm đòn gánh bó đóm lại đưa về. Sau đó, phơi đóm thật khô mới thu lại để chuẩn bị cho việc kết, bó, tạo dáng Đình Liệu (một con rồng lớn).
Thông thường, vào thời điểm sau khi tiễn Táo quân lên trời, vào ngày 25 tháng Chạp, các trai tráng gom những cây đóm đã khô kết thành Đình Liệu có đường kính 50cm, chiều dài 9m, rồi đem đặt vào tòa đại đình. Đình Liệu được các cụ trong làng trông coi rất cẩn thận, không cho ai được đến gần.
Chiều 30 Tết, trai làng chia số người ra hai bên đều nhau, dùng những chiếc đòn kê đều tay chuyển đình liệu từ trong đình ra giữa sân đình.
Trước khi đốt Đình Liệu, ở sân đình, dân làng tổ chức tế lễ, kính cáo trời đất, thần linh sông núi về dự lễ. Tiếp đó, trong hậu cung các cụ cao niên làm lễ tâu với thành hoàng xin ngài cho phép dân làng rước lửa đốt Đình Liệu đón chào năm mới.
Đúng thời khắc giao thừa, Đình liệu - con rồng “khổng lồ” bỗng chốc hóa thân thành ngọn đuốc rừng rực cháy sáng.
Sau khi chứng kiến lễ đốt Đình Liệu ở đình, mọi người châm những bó đuốc mang theo lấy lửa rước điều may mắn đem về. Tới nhà, họ long trọng thắp hương từ nguồn lửa ấy để cáo tế với thổ công, gia tiên và sau đó nhóm bếp làm đồ cúng đầu năm, giữ lửa trong suốt những ngày Tết.
Cần gìn giữ nét văn hóa đặc trưng
“Đêm giao thừa, cả Động Bồng như một hội hoa đăng, làm cho cả một vùng lấp lánh ánh sáng chụm lại rồi tỏa ra như những bông hoa. Người Động Bồng gọi là “hoa đuốc” linh thiêng.
Kể từ lúc giao thừa đến lễ hạ nêu (mùng 7 tết), những người trông coi đình và mỗi gia đình phải giữ ngọn lửa thiêng cẩn thận, không bị tắt. Giữ được ngọn lửa luôn cháy sáng thì người theo nghiệp khoa cử sẽ thông minh đỗ đạt, nhà nông làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, dân khang vật thịnh”, ông Lô cho biết.
Sau lễ đốt Đình Liệu, trong những ngày tết tụ họp dưới mái đình, dân làng Động Bồng tổ chức hát ru, hát đúm, hát đối đáp và các trò chơi dân gian: chơi đu, chọi gà, bơi thuyền… thu hút đông đảo mọi người tham dự.
Ông Vũ Văn Được, Chủ tịch UBND xã Hà Tiến chia sẻ, có thời gian tục đốt Đình Liệu bị mai một. Song với mong muốn gìn giữ văn hóa truyền thống, người dân địa phương đã khôi phục lại nhằm tỏ lòng thành kính và nhớ ơn cha ông đã mang ngọn lửa sưởi ấm lòng người, xua tan bóng đêm. Đốt Đình Liệu đến nay đã là lễ hội truyền thống của người dân địa phương không thể thiếu được trong thời khắc giao thừa.
Bà Phan Thị Lan, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hà Trung cho biết, đình Động Bồng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2001. Tuy nhiên, thực tế đình Động Bồng và lễ tục gắn liền với đình chưa được quan tâm gìn giữ đúng tầm của một di tích cấp quốc gia.
“Để gìn giữ lễ tục đặc sắc này, tới đây UBND huyện sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, ngành để tổ chức, khôi phục lại tục đốt Đình Liệu quy mô hơn, làm điểm nhấn của địa phương”, bà Lan cho biết.