- Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần TASCO than rằng, lợi nhuận thu về chỉ còn 8,5-9%, so với vốn huy động có lãi suất đến 12-15%.
Tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 sáng nay ở Hà Nội, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần TASCO cho hay, dư luận thời gian qua cho rằng các nhà đầu tư BOT “giàu có, ăn dày” nhưng thực tế trong hợp đồng BOT thực hiện chỉ 11-12% lãi trên vốn chủ sở hữu.
DN phải nộp thuế thu nhập 22%, trừ đi lợi nhuận đưa về chỉ còn 8,5-9%, trong khi nhà đầu tư huy động vốn trên thị trường lãi suất cạnh tranh phải 12-15% thì cổ đông mới góp vốn.
"Vậy thử hỏi lợi nhuận ở đâu để nhà đầu tư tranh nhau làm BOT? Hiện nay nhà đầu tư BOT phải chịu nhiều áp lực, nghe như tội đồ, rất ái ngại không muốn đầu tư”, ông Dũng thốt lên.
Ông Phạm Quang Dũng: Đầu tư BOT phải chịu nhiều áp lực, nghe như tội đồ |
Đại diện DN này còn cho rằng, trong 5 năm qua Bộ GTVT đã “mua” được tài sản BOT với giá rất rẻ, thậm chí rẻ hơn ODA rất nhiều.
Bởi các dự án giao thông bằng vốn vay ODA thường có tổng mức đầu tư cao từ 1,5-2 lần so với BOT, chưa kể đi kèm quy định các điều kiện rất ngặt nghèo. Trong khi các nhà đầu tư trong nước tham gia làm BOT đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng GDP...
DN này cho rằng cần phải xem xét lại quá trình đầu tư bởi, hiện nay, việc đầu tư cùng lúc nhiều tuyến quốc lộ theo hình thức BOT với mật độ "hơi dày" khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác.
“Chúng ta cứ nói người dân không thích đi đường BOT thì đi đường cũ. Nhưng rẽ ngã, đường nào cũng 'dính' vào BOT nên dân rất bức xúc. Do vậy phải quy hoạch lại các trạm BOT thật hợp lý để người dân có sự lựa chọn...”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cũng cho rằng, hiện nay không ít trạm thu phí đặt chưa đúng vị trí; các trạm bố trí quá gần nhau đang khiến người dân và DN vận tải không có quyền lựa chọn.
Do vậy cần có quy hoạch cụ thể, phân bổ đầu tư các trạm BOT sao cho hợp lý, không đầu tư BOT bằng mọi giá.
Sẽ giảm phí
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, liên bộ GTVT - Tài chính đang rà soát và sẽ sớm có phương án tổng thể báo cáo Thủ tướng việc thực hiện giảm mức phí theo chỉ đạo của Thủ tướng. Mức phí sẽ giảm khi tổng mức đầu tư quyết toán của dự án giảm.
Bà Mai cũng trấn an việc giảm phí này không gây hậu quả cho nhà đầu tư.
Đối với các dự án BOT sau này, bà Mai kiến nghị khi thực hiện cần xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, công khai minh bạch mức phí, tránh tình trạng dự án hoàn thành khi thu phí gây phản ứng của người dân.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, việc lập tổng mức đầu tư cơ bản tuân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên nhiều quy định của các bộ, ngành vẫn có cách hiểu khác nhau, từng chủ thể trong quá trình lập và thẩm định tổng mức đầu tư còn một số sai sót, nhầm lẫn.
Do vậy, trên cơ sở kết luận của các đơn vị thanh tra, kiểm toán, Bộ GTVT đã yêu cầu các tập thể, cá nhân kiêm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định.
Bố trí hợp lý trạm thu phí
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể thời gian qua có đóng góp không nhỏ của các dự án BOT.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bố trí trạm thu phí phải hợp lý, tránh dày đặc khiến dư luận bức xúc |
Tuy nhiên, một số dự án BOT chưa đảm bảo chất lượng, còn xảy ra tình trạng lún nứt gây ảnh hưởng an toàn người tham gia giao thông.
Nhiều nhà đầu tư tham gia theo “phong trào làm BOT”, nhưng khi làm lại không đúng trách nhiệm, chưa xác định đúng giá, tính toán mức đầu tư còn thiếu chính xác.
Đặc biệt việc bố trí các trạm phí còn chưa hợp lý do thiếu quy hoạch tổng thể; quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế như khối lượng dự toán, tư vấn thiết kế khảo sát kém, năng lực các chủ thể tham gia BOT còn hạn chế...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT cần sớm rà soát lại việc bố trí các trạm thu phí sao cho hợp lý, tránh tình trạng trạm thu phí dày đặc khiến dư luận bức xúc.
Ông yêu cầu tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước về đầu tư BOT từ khâu chuẩn bị đầu tư lập dự án cho đến khảo sát giải phóng mặt bằng, nghiệm thu bàn giao, xây dựng; đảm bảo lợi ích cho người dân và nhà đầu tư, đảm bảo minh bạch thu phí, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu.
Vũ Điệp