Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là chung là Quy hoạch).

Phó Thủ tướng nêu rõ: Yêu cầu đặt ra đối với Quy hoạch là phải bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, từ đất liền ra biển đảo, có tính toàn cầu. 

Ngành khí tượng thuỷ văn có mối quan hệ chặt chẽ đối với hoạt động dự báo, giám sát, cung cấp các dịch vụ thông tin, dữ liệu cho các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu, tham gia quản lý các nguồn tài nguyên (gió, nước, năng lượng mặt trời…).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát biểu. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng gợi mở: "Trong bối cảnh yêu cầu nhiệm vụ, tính cấp bách cao hơn, sự phát triển khoa học công nghệ nhanh hơn, Quy hoạch cần xác định thay đổi những gì để đột phá bằng công nghệ, chuyển đổi số nhằm phát triển ngành khí tượng thuỷ văn cả về số lượng lẫn chất lượng".

Phát triển, sử dụng hiệu quả mạng lưới khí tượng thuỷ văn

Theo báo cáo của Tổng cục khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mục tiêu của Quy hoạch là phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia hiện đại, đồng bộ, đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực châu Á vào năm 2030.

Các trạm này có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ với mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới trạm khí tượng thủy văn toàn cầu, đáp ứng nhu cầu thông tin, dữ liệu và nâng cao độ chính xác, tính kịp thời và độ tin cậy cho công tác dự báo, cảnh báo.

Trong giai đoạn 2021-2025, mạng lưới trạm khí tượng được phát triển mới, nâng cấp, hiện đại hóa và bổ sung yếu tố tăng dày mật độ trạm, đặc biệt là các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai khí tượng thủy văn, vùng trống số liệu, vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, quan trắc để khu vực ven biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam.

khi tuong.jpg
Trạm khí tượng Phù Liễn (Hải Phòng).

Tỷ lệ tự động hóa trên toàn mạng lưới trạm đạt trên 40% đối với trạm khí tượng bề mặt; 50% đối với trạm quan trắc mực nước; 100% đối với các trạm đo mưa độc lập; 20% đối với các trạm đo lưu lượng nước; chuyển sang tự động hoàn toàn 20% số trạm khí tượng thủy văn thủ công hiện có.

Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ tự động hóa trên toàn mạng lưới đạt trên 95% đối với các trạm: khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao, tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng; chuyển sang tự động hoàn toàn 30% số trạm khí tượng thủy văn thủ công hiện có.

Đến năm 2050, mật độ, khoảng cách trạm quan trắc tự động khí tượng thuỷ văn ở Việt Nam sẽ ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới; đưa vào thử nghiệm trên mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia một số loại hình quan trắc mới.

Tại cuộc họp, các ý kiến đánh giá cao việc xây dựng Quy hoạch theo yếu tố quan trắc hướng tới mô hình mạng lưới trạm hiện đại, đồng bộ, có mật độ quan trắc hợp lý và công nghệ quan trắc tiên tiến, mức độ tự động hóa cao.

Một số ý kiến cho rằng, cần lồng ghép mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn quốc gia với hệ thống trạm quan trắc chuyên ngành, chuyên dụng như hàng không, nông nghiệp, thuỷ lợi… để tối ưu hoá nguồn lực.

Tăng cường năng lực dự báo từ sớm, từ xa

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, Quy hoạch đã đưa ra được những thông tin quan trọng về đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao trước tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng khó lường, khó dự báo; nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, Bộ TN&MT cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, bám sát các căn cứ chính trị, pháp lý, quy định của Luật Quy hoạch, các quy hoạch chuyên ngành khác… cũng như các xu thế lớn về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh… 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Đây không chỉ là quy hoạch một ngành khoa học đơn thuần mà có liên quan chặt chẽ đến kinh tế, chính trị, quốc phòng và mang tính toàn cầu. Các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn".

Để thực hiện được nhiệm vụ dự báo từ sớm, từ xa các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự cố, rủi ro có thể, Phó Thủ tướng lưu ý sự cần thiết của hoạt động hợp tác quốc tế trong thu thập, chia sẻ dữ liệu khí tượng thuỷ văn. 

"Một trận bão, lũ có thể phá vỡ mọi kế hoạch phát triển, vì vậy, đầu tư cho khí tượng thuỷ văn là đầu tư cho sự ổn định và phát triển; bảo đảm sự chủ động, tính bền vững trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội để hiện đại hoá ngành khí tượng thuỷ văn, nhất là các trạm quan trắc trên biển; ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin… trong xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về khí tượng thuỷ văn.

Trong tổ chức thực hiện Quy hoạch cần có cơ chế tài chính kết hợp nguồn lực Nhà nước và xã hội; xem xét đầu tư, khai thác, sử dụng, hiệu quả nguồn lực Nhà nước dành cho khí tượng thuỷ văn...; từng bước tự chủ trong sản xuất trang thiết bị, máy móc, làm chủ công nghệ quan trắc, bảo đảm tương thích, thống nhất trong cả hệ thống.

Phùng Thu Thủy, Nguyễn Trần Đình Thành, Nguyễn Thị Thu Hằng