So với nhiều kênh đầu tư, vàng vẫn được nhiều người dân lựa chọn bởi sự an toàn và tăng giá theo thời gian. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào mua vàng cũng có lời, thậm chí còn thua lỗ hàng chục triệu đồng.
Tháng 6/2022, thấy giá vàng giảm nhiều so với đầu năm, chị Nguyễn Thị Trúc (Đống Đa, Hà Nội) bàn với chồng rút sổ tiết kiệm để mua vàng. Giá vàng thời điểm đó giao dịch ở mức 68,52 triệu đồng/lượng.
Với gần 500 triệu đồng, chị Trúc mua được 7 lượng vàng. Hai vợ chồng chị tính sẽ mua ô tô nếu vàng tăng giá. Đầu năm 2022, giá vàng từng có thời điểm lên mức 74 triệu đồng/lượng. Chị kỳ vọng, vàng có thể quay lại mức giá này trong năm nay.
Sau khi mua xong cất két, giá vàng liên tục giảm mạnh khiến vợ chồng chị lo lắng. Từ mức trên 68 triệu đồng/lượng, giá vàng giảm về 67 triệu đồng/lượng và đang quanh mức 66 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, còn ở mua vào chỉ trên 65 triệu đồng/lượng. Nếu bán vàng ở thời điểm này, chị lỗ gần 3 triệu đồng/lượng, khoản lỗ mua vàng gần 20 triệu đồng.
Trong khi đó, giá xe ô tô ngày càng tăng, một số mẫu vợ chồng chị ưng ý có mức chênh hàng chục triệu đồng. “Nhiều người mua vàng thì lãi, chả hiểu sao mình mua xong lại giảm mạnh. Lấy tiền mua vàng để có lời mua ô tô thành ra thiệt hại lớn”, chị Trúc lo lắng.
Tương tự, anh Nguyễn Đăng Khôi (Hoàng Mai, Hà Nội) đang gặp khó khăn vì vay vàng mua ô tô. Năm 2019, anh Khôi lái xe cho một công ty du lịch. Nhận thấy tiềm năng, anh bàn với vợ vay tiền mua xe 7 chỗ để chạy xe hợp đồng riêng cho các công ty du lịch. Vợ chồng anh dốc hết vốn liếng và vay thêm 5 cây vàng để mua xe 7 chỗ. Giá vàng thời điểm đó khoảng 42 triệu đồng/lượng. Vợ chồng anh bán 5 cây vàng, được trên 200 triệu đồng.
Chạy xe chưa được bao lâu thì đại dịch ập tới, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Xe mới mua về đắp chiếu, hai vợ chồng anh như ngồi trên đống lửa. Trong khi đó, giá vàng tăng vùn vụt. Từ mức 42 triệu đồng năm 2019, vàng đã chinh phục nhiều mốc mới trên 50, 60 triệu đồng/lượng. Tháng 3/2022, vàng đã tăng lên mức 74 triệu đồng/lượng.
“Giá vàng nhảy dựng đứng từng ngày, xe thì không chạy được lấy gì ra để có tiền trả cho gia đình”, anh Khôi nói. Hiện, giá vàng đã điều chỉnh giảm quanh mốc 66-67 triệu đồng/lương nhưng vượt xa mốc ở thời điểm vợ chồng anh mua xe.
Theo anh Khôi, nếu mua vàng trả nợ, vợ chồng anh phải bù thêm khoảng 100 triệu đồng.
Rủi ro đầu tư vàng
Khảo sát các địa điểm bán vàng, lượng người mua vàng để đầu tư khá thấp, giao dịch không sôi động. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao.
Kết thúc phiên 17/9, giá vàng miếng 9999 tại SJC Hà Nội là 65,85 triệu đồng/lượng (mua vào) - 66,65 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM niêm yết ở mức 65,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,67 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết ở mức 65,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,65 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại TP.HCM, Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 66,6 triệu đồng/lượng.
Ông Phạm Văn Nam, chuyên gia tài chính, cho rằng, vàng vẫn là kênh đầu tư nhiều người lựa chọn bởi giá vàng tăng thời gian qua. Tuy nhiên, những người vay để đầu tư thường gặp rủi ro bởi sự biến động và chênh lệch giữa mua vào và bán ra khá cao. Chỉ cần mua vàng và bán ra, người mua đã thiệt hàng triệu đồng/lượng.
“Người dân không nên coi vàng là cơ hội để làm giàu nhanh, không nên mua vàng theo cảm tính hoặc tâm lý đám đông”, ông Nam nói.