Không khó để nhận ra vì sao Spotify được nhiều người yêu mến đến vậy: bất chấp tất cả các điểm yếu của mình, dịch vụ stream nhạc này vẫn đã khai phá ra một trải nghiệm nghe nhạc mang tính cách mạng, nơi người dùng không còn phải bỏ ra những khoản chi phí cao và tốn công quản lý để có thể “sở hữu” kho nhạc của riêng mình.

Nhưng chỉ việc đưa nhạc lên “đám mây” thôi là không đủ để Spotify thu hút đến 71 triệu người dùng, bỏ xa đối thủ Apple Music (38 triệu) ở phía sau. Từ góc độ của những kẻ “nghiện” Spotify từ 2 năm trước khi dịch vụ này đặt chân vào Việt Nam, dưới đây chúng tôi sẽ cùng bạn đọc khám phá vì sao dịch vụ stream này lại hấp dẫn đến vậy.

Chìm đắm trong trải nghiệm khám phá

Spotify có rất nhiều cách để cuốn hút bạn liên khám phá và nghe nhạc.

Bất kỳ dịch vụ stream nào cũng đưa hết kho nhạc lên mây, và để “ăn thua” với nhau thì họ phải biết cách khai thác kho nhạc đó. Playlist (danh sách phát) là cách tuyệt nhất để làm điều này: thông qua các danh sách bài hát có sẵn, các dịch vụ stream có thể giúp người dùng khám phá ra các bản nhạc mới, phù hợp nhất với sở thích của họ.

Với 2 tỷ playlist (vâng, 2 tỷ playlist), Spotify đang đè bẹp các đối thủ Tidal và Apple Music. Tidal thì quá nghèo nàn, còn Apple thì vì kiên quyết sử dụng người (thay vì thuật toán) tạo playlist nên vẫn cứ lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán. Riêng Spotify thì có đủ các loại Playlist chia theo thể loại, tình huống (giờ ngủ, giờ học chẳng hạn) hay các sự kiện thời sự. Spotify còn tung ra 6 Playlist “Discover Weekly” được làm mới hàng tuần để người dùng có thể liên tục khám phá các bài hát mới, dựa trên sở thích nghe nhạc sẵn có của họ. Các bảng xếp hạng, các đĩa đơn mới phát hành, các nghệ sĩ tương tự với các nghệ sĩ bạn thích... cũng được Spotify cung cấp.

Ngay cả một bài hát cũng có thể là điểm khởi đầu cho một radio bất tận.

Thậm chí, mỗi lần chúng ta tự tạo playlist của riêng mình, Spotify còn tự gợi ý bài hát dựa trên tên playlist vừa tạo: nếu bạn tạo playlist về Hair Metal, bạn sẽ nhận được vô số gợi ý liên quan đến Motley Crue, Guns n' Roses, Poison v...v.... Cuối mỗi playlist cá nhân, dịch vụ này sẽ gợi ý cho bạn các bài hát “hợp tông” với các bài đã chọn: nếu bạn đã thêm November Rain và Don't Cry, bạn sẽ được gợi ý cả 18 and LifeBed of Roses hay Estranged.

Nếu chỉ chọn một bài hát đơn lẻ, Spotify mặc định sẽ chơi tiếp một bài hát liên quan (cùng ca sĩ, cùng thời, cùng thể loại v...v...). Nói cách khác, dịch vụ stream này sẽ liên tục đưa bạn chìm đắm vào một thế giới âm nhạc bất tận.

Nghe nhạc PHÙ HỢP ở mọi lúc, mọi nơi

Tôi vốn không phải là fan của việc nghe nhạc trong lúc học hay làm việc, bởi nhạc bạn thích rất dễ phân tâm. Thế nhưng, Spotify lại có các playlist được tạo để giúp bạn có thể quên đi những tiếng ồn bên ngoài mà vẫn không bị mất tập trung. Đơn giản là bởi chúng là những bản nhạc không lời đến từ những tên tuổi xa lạ.

Đây là cách tôi chìm vào giấc ngủ hàng ngày.

Và không chỉ có việc học. Ban đêm, tôi thường chơi các playlist êm dịu để dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Với việc tập thể thao, Spotify cung cấp tính năng đếm nhịp tim (do các thiết bị kết nối cung cấp) để liên tục lựa chọn bài hát phù hợp làm "nhạc nền". Với các "dịp" quan trọng như buổi hẹn của bạn và nàng hoặc buổi tụ tập của những đứa trẻ trong xóm, Spotify cũng có thể đưa ra một vài danh sách phát phù hợp - nếu bạn chọn đúng từ khóa để tìm kiếm.

Rõ ràng, việc Spotify có danh sách chơi và cách chọn nội dung vượt trội hơn hẳn so với Apple Music sẽ là một lợi thế để giúp dịch vụ nhạc này có thể len lỏi vào mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta.

Dùng điện thoại làm điều khiển từ xa

Các thiết bị được đăng nhập cùng một tài khoản có thể dùng để điều khiển nhau, từ PC, smartphone đến loa thông minh.

Một biện pháp thông minh để đảm bảo một tài khoản cá nhân không thể bị chia sẻ cho nhiều người: nếu bạn đang đăng nhập Spotify trên nhiều thiết bị, bạn sẽ chỉ được phát nhạc từ 1 thiết bị duy nhất mà thôi. Nghe có vẻ khó chịu, nhưng điểm mạnh của biện pháp kiểm soát này nằm ở chỗ chúng ta có thể dùng bất kỳ một thiết bị nào để điều khiển nhạc Spotify đang phát trên thiết bị khác.

Ví dụ, thiết bị nghe nhạc chính của tôi là PC có gắn DAC rồi nối ra loa. Đôi lúc, tôi muốn ngồi trên ghế salon để nghe nhạc chứ không phải là “dính” với màn hình vi tính. Đơn giản, tôi chỉ cần mở Spotify trên PC và mở cả Spotify trên điện thoại: ứng dụng smartphone sẽ hỏi tôi có muốn tiếp tục nghe trên PC hay không. Khi tôi chọn có, nhạc vẫn phát trên PC nhưng tôi có thể chọn bài hoặc điều khiển bằng giao diện smartphone.

Dùng Spotify theo cách của dân “Pro” máy tính

Một phương pháp tìm kiếm thật khoa học chỉ thông qua một ô chữ duy nhất.

Là dân coder, tôi thích dùng bàn phím và thích các câu lệnh trực quan thay vì di chuột. Nếu bạn cũng giống tôi, đầu tiên hãy ghi nhớ Ctrl + L (hay Command + L trên Mac) là tổ hợp phím để truy cập nhanh vào tính năng tìm kiếm kho nhạc của Spotify.

Trong ô n, bạn có thể sử dụng một số từ khóa để giới hạn tìm kiếm. Ví dụ, nếu muốn đi nhanh đến bài Time của Pink Floyd, bạn có thể gõ “artist: Pink Floyd time” – bằng cách này các bài hát cũng chứa từ “Time” trong tên nhưng không phải của Pink Floyd sẽ không được hiển thị. Hoặc, nếu chỉ muốn nghe Backstreet Boys thời vàng son, bạn có thể thêm từ khóa “year:1998-2002”.

Sau đây là các từ "mẹo" để tìm kiếm:

Artist: nghệ sĩ

Track: tên bài hát

Album: tên album

Genre: thể loại

Year:[năm bắt đầu]-[năm kết thúc]

Từ ghép điều kiện: AND (và, phải thỏa mãn cả 2), OR (hoặc, thỏa mãn một trong 2), NOT(loại trừ).

Chia sẻ dễ dàng

Các bài hát/album/nghệ sĩ/danh sách trên Spotify đều cung cấp tùy chọn copy link. Khi người nhận click vào link này, ứng dụng Spotify trên smartphone của họ sẽ tự động mở ra.

Tôi có thể “kết bạn” với những người khác trên Spotify. Trên bất kỳ hệ điều hành nào, tôi chỉ cần copy link trên bài hát/album/nghệ sĩ Spotify và gửi qua các ứng dụng/dịch vụ nhắn tin như iMessage hoặc Facebook Messenger.

Nghe ngay trên web

Giao diện web Spotify cho phép truy cập từ mọi loại trình duyệt.

Ứng dụng Spotify đã có sẵn trên các hệ điều hành quen thuộc như Windows, iOS và Android, song đôi lúc tôi lại phải dùng Linux, ChromeBook hoặc máy tính của người khác. May mắn là Spotify đã có sẵn giao diện web tại https://open.spotify.com. Mở trang web này và đăng nhập là tôi đã có đầy đủ trải nghiệm nhạc của mình - rõ ràng là Spotify tiện lợi chẳng kém gì các web "lậu" của Việt Nam.

Độc lập (và kết hợp) với kho nhạc có sẵn

Một trong những điểm trừ lớn nhất của Spotify hay bất kỳ dịch vụ stream nào khác là kho nhạc không đầy đủ (do vấn đề bản quyền). Do đó, tôi buộc phải nhờ cậy thêm tới các bài hát đã sưu tầm từ lâu. Với Apple Music, kiểu sử dụng này sẽ gây ra vấn đề lớn: trong thời gian đầu, xóa bản down offline từ Apple Music thậm chí còn xóa luôn cả bài hát của tôi trong kho nhạc cá nhân của mình.

Giao diện Local Files cho phép phân biệt rõ ràng giữa bài hát sẵn có (sáng) và không có (tối) trên Spotify.

Spotify thì khác: dịch vụ này cho phép import (nhập) nhạc có sẵn trên máy nhưng lại không cung cấp tính năng xóa file. Bởi vậy, việc tôi xóa file khỏi kho nhạc Spotify rồi nhầm thành xóa file nhạc đã tải về là không thể xảy ra. Để trải nghiệm nghe nhạc của người dùng được trở nên tiện lợi hơn, trong mục Local Files (chính là kho nhạc trên ổ cứng của tôi), Spotify sẽ nhận diện bài hát nào có trên dịch vụ này và bài hát nào không có. Dựa trên kết quả nhận diện này, tôi có thể tùy ý xóa nhạc tải sẵn theo ý muốn.

Dĩ nhiên, Spotify cho phép tạo Playlist kết hợp cả nhạc offline (của tôi) lẫn nhạc online (của Spotify). Đáng kinh ngạc hơn, dịch vụ này cũng cung cấp biện pháp dễ dàng để chúng ta có thể copy nhạc từ kho nhạc trên PC lên smartphone và đảm bảo các Playlist thống nhất giữa các thiết bị của mình. Thật quá tuyệt vời, phải không?

Theo GenK