Ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09 về việc chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Nghị quyết 09, thời gian qua, ngành giáo dục Quảng Ninh đã tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào dạy và học, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo cô giáo Ngô Thị Thái, giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long, nhờ chuyển đổi số trong dạy và học nên nhà trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại, loa, đài, micro, kết nối wifi, bảng thông minh. Đây là cơ sở rất thuận lợi để cô cùng học sinh sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong các tiết dạy.

Đặc biệt, cô Thái cũng đang sử dụng phần mềm để thực hiện đánh giá học sinh theo hình thức trắc nghiệm. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, cô giáo có thể kiểm tra kiến thức của tất cả học sinh.

Hạ Long
Một tiết học tại Trường Tiểu học Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh. 

Bà Nguyễn Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh cho hay, thời gian qua, nhà trường tích cực chuyển đổi số trong giảng dạy và quản lý học sinh. Theo đó, nhà trường chủ động kết nối để cấp chữ ký số cho toàn bộ cán bộ quản lý và giáo viên. Sau khi thực hiện cấp chữ ký số, các thầy cô sử dụng chữ ký số của mình trên học bạ số. Đây là tiền đề và cơ hội để hồ sơ của các học sinh được liên thông từ các cấp học này sang các cấp học khác, từ địa phương này sang địa phương khác, giúp cho công tác quản lý giáo dục của nhà trường ngày càng tốt hơn.

Được biết, đến nay, 100% cơ sở giáo dục ở Quảng Ninh có đường truyền Internet cáp quang và máy tính phục vụ công tác quản lý điều hành. 

Ngành giáo dục Quảng Ninh cũng đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin với 1.395 phòng học tương tác thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến cho 89 trường phổ thông. 

Riêng Dự án Trường học thông minh đã được triển khai cho 57 trường học với 1.236 phòng học thông minh (263 phòng học cấp độ 1 và 973 phòng học cấp độ 2), 58 phòng học/họp trực tuyến, 57 hệ thống camera giám sát hành lang, 12.242 máy tính xách tay, 816 máy điều hòa không khí, 57 hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin, mạng LAN, đường truyền FTTH.

Hiện ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các dịch vụ công đủ điều kiện, 100% cán bộ quản lý của Sở và các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thực hiện ký số và xử lý văn bản qua phần mềm; 100% học sinh có hồ sơ, học bạ điện tử; 100% cơ sở giáo dục phổ thông tích hợp nội dung chuyển đổi số trong chương trình giáo dục.

100% cơ sở giáo dục chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt.

100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên sử dụng các phần mềm về quản lý tài chính, tài sản và bảo hiểm xã hội...; 100% cơ sở giáo dục thành lập bộ phận chỉ đạo, phụ trách, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

100% nhân lực công nghệ số nòng cốt của Sở và các đơn vị giáo dục được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng...

Năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 3/35 sở, ban, ngành trong bảng xếp hạng mức độ chuyển đổi số (DTI).

Quảng Ninh CDS
Phương thức quản lý hồ sơ tại Trường Tiểu học Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh.

Trong kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh xác định sẽ tiếp tục tạo đột phá trong hoạt động giáo dục và đào tạo; đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về giáo dục; tác động tích cực, toàn diện tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục đảm bảo kế thừa, phát huy hiệu quả các hạng mục đã đầu tư trong Đề án Xây dựng chính quyền điện tử, các đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, đặc biệt là các dự án xây dựng trường học thông minh, tiên tiến đã triển khai.

Cùng với đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo gắn với phát triển các nền tảng, tài nguyên số dùng chung, góp phần phát triển chính quyền số, xã hội số, xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư của tỉnh.

Phấn đấu đến 2025, 100% cơ sở giáo dục chấp nhận thu học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ người học bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 100% số tiền học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ người học của các cơ sở giáo dục ở vùng thành thị, nông thôn. 65% ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

100% cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học triển khai sổ sách, sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn hồ sơ giấy. 100% trường phổ thông tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6, lớp 10 hoàn toàn trên môi trường số. 100% cơ sở giáo dục triển khai cho nhà giáo sử dụng chữ ký số.

Thanh Minh