Xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; từ năm 2012 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU (5/5/2012), Nghị quyết số 07-NQ/TU ngàỵ 13/3/2017 về phát triển khoa học và công nghệ. UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND (2/6/2014) về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Quá trình thực hiện các nghị quyết đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Vì vậy, năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 13 NQ/TU (28/4/2023) về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, góp phân xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh…

Khoa học công nghệ thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số

Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, Quảng Ninh chú trọng đẩy mạnh khoa học và công nghệ tạo những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Trong đó, điển hình là việc ứng dụng khoa học và công nghệ ở vùng dân tộc thiểu số.

Việc thực hiện các chương trình, đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TU (28/4/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiếp tục đưa khoa học công nghệ đến khu vực này, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Thực hiện từ tháng 12/2021, nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu phục tráng và phát triển bền vững vùng sản xuất hồi tại tỉnh Quảng Ninh” đang góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bình Liêu gia tăng giá trị kinh tế cho cây trồng chủ lực địa phương, cải thiện thu nhập. 

Trong gần 30 tháng triển khai, nhiệm vụ đã hoàn thành việc điều tra chọn lọc cây cây hồi; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật về nhân giống; thực hiện quy trình kỹ thuật về trồng rừng thâm canh, phục tráng rừng hồi, kỹ thuật chưng cất tinh dầu hồi. Nhiệm vụ cũng đã xây dựng mô hình vườn sưu tập giống cây hồi, mô hình trồng thâm canh, phục tráng rừng hồi và chưng cất tinh dầu hồi.

Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Dân tộc và các địa phương đang phối hợp triển khai thực hiện 25 nhiệm vụ khoa học công nghệ khác liên quan đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng của các sản phẩm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh… 

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tập trung đổi mới phương thức quản lý xã hội, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp khu vực này. Đồng thời, hướng đến việc chuyển giao những thành tựu công nghệ mới vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, bảo vệ môi trường, giáo dục, văn hóa, an ninh, quốc phòng... 

Tăng cường ứng dụng khoa học vào sản xuất, đời sống

Nhiều năm qua, TX Đông Triều đã dành sự quan tâm, cũng như xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, nhằm phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, xây dựng, môi trường, xã hội và nhân văn.

Tiêu biểu như nhiệm vụ “Ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất và phát triển giống hoa lay ơn CF.21.09” được triển khai ở các hộ dân trồng hoa xã Bình Khê và cho kết quả khả quan. Dự kiến tháng 9/2024, thị xã sẽ đưa kết quả của nhiệm vụ triển khai rộng khắp tới các hộ trồng hoa trên địa bàn.

Hay nhiệm vụ “Điều tra, tuyển chọn cây đầu dòng và xây dựng mô hình phục tráng giống na tại TX Đông Triều" đã phục tráng, nhân giống các dòng na có đặc điểm ưu tú, chất lượng. Thành công của nhiệm vụ khoa học công nghệ này đã giúp thị xã thay thế khoảng 400ha cây già cỗi, năng suất, chất lượng kém, phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.

công nghệ.jpeg
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tại thành phố Móng Cái, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực cải cách hành chính công, xây dựng thành phố thông minh, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, y tế... luôn được Đảng bộ, chính quyền thành phố quan tâm và coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ năm 2021, TP Móng Cái đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phân ly giới tính tinh trùng nhằm tăng nhanh đàn lợn Móng Cái. Nhiệm vụ đặt mục tiêu sẽ tạo ra những con giống lợn Móng Cái thuần chủng, chất lượng phục vụ sinh sản, cũng như sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, TP Móng Cái cũng tăng cường đưa các nhiệm vụ khoa học công nghệ vào cuộc sống, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân. Điền hình là nhiệm vụ “Ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” của Trung tâm Ứng dụng và thống kê khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ). Kết quả là đã xây dựng được mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ và áp dụng cho 300 hộ dân ở các địa phương Bình Liêu, Hải Hà, Ba Chẽ, giúp người dân tận dụng được rác thải sinh hoạt để làm phân bón cho cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái là bệnh viện hạng II tuyến huyện đã được đầu tư trang thiết bị, máy móc công nghệ cao phục vụ cho công tác khám chữa bệnh như: Hệ thống cộng hưởng từ 0.4T, hệ thống CT-Scanner 32 dãy, hệ thống máy siêu âm 4D, siêu âm Doppler mạch máu… giúp việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe toàn diện, hiệu quả cho người bệnh và triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao, đặc biệt là các kỹ thuật chuyên sâu.

Móng Cái còn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế theo tiêu chuẩn ISO, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, quảng bá thương hiệu. 

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nguồn lực thỏa đáng cho hoạt động khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học... vào các lĩnh vực; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ giữa các doanh nghiệp với các cơ sở sản xuất trên địa bàn. 

Quỳnh Nga