Hiện nay, 100% huyện, thành phố và 152/161 cơ sở hội thành lập các trang fanpage, nhóm Zalo phục vụ công tác chỉ đạo và tuyên truyền.

Trang fanpage facebook “PHỤ NỮ CAO BẰNG” thu hút hơn 4,7 nghìn người theo dõi; trang thông tin điện tử cập nhật kịp thời thông tin về các phong trào, hoạt động Hội, những mô hình hay, điển hình tiên tiến của hội viên, phụ nữ; vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Cao Bằng thời đại mới” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.   

Một trong những nội dung ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả của Hội LHPN tỉnh là triển khai phần mềm quản lý cán bộ, hội viên tới các cấp Hội.

Sau khi Hội LHPN Việt Nam triển khai đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hội viên trên toàn quốc, Hội tổ chức hướng dẫn cán bộ Hội các cấp khẩn trương nhập dữ liệu hội viên, thực hành trực tiếp với phần mềm.

Đến nay, 100% cơ sở hội sử dụng được phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; dữ liệu về hội viên trên địa bàn tỉnh được cập nhật đầy đủ, giúp việc quản lý hội viên chính xác, khoa học.

Hội LHPN tỉnh thực hiện tốt việc khai thác văn bản chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin trên hệ thống văn bản điện tử của UBND tỉnh; ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử và chỉ đạo điều hành hoạt động trong hệ thống Hội.

Các cấp Hội thực hiện việc gửi - nhận văn bản trên môi trường mạng, từ đó các hoạt động của Hội được triển khai nhanh chóng, kịp thời.

Nội dung cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chủ trương “3 cùng” (cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ làm theo), các mô hình “1 + 1” (1 chi hội khá kèm chi hội yếu, 1 hội viên vận động 1 phụ nữ tham gia tổ chức Hội…), “3 có, 3 biết” (có hội viên tiên phong, có hoạt động hằng tháng, có nguồn lực tổ chức hoạt động, biết mặt hội viên, biết hoàn cảnh hội viên và biết nhu cầu hội viên, phụ nữ)… được triển khai sâu rộng đến cơ sở. Hội phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện phòng họp trực tuyến kết nối từ điểm cầu Hội LHPN tỉnh với Hội LHPN các huyện, Thành phố; kết nối các cuộc họp truyền hình trực tuyến với Trung ương, tỉnh.

Các học viên tham gia lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng vận hành tổ truyền thông cộng đồng tại huyện Bảo Lâm.
Các học viên tham gia lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng vận hành tổ truyền thông cộng đồng tại huyện Bảo Lâm.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, các cấp Hội tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bán hàng trên nền tảng công nghệ số, kết nối, xúc tiến thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ làm ra, cung ứng trong và ngoài địa phương.

Hội viên, phụ nữ có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc vận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, góp phần cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế tiếp tục được các cơ sở hội tích cực triển khai, 9 tháng đầu năm 2023 giúp 18.318 ngày công lao động, giúp nhau 5.323 kg lương thực, 12 con lợn giống.

Hoạt động vay vốn, thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ đến ngày 31/9/2023 là 1.215 tỷ 413 triệu đồng, có 632 tổ tiết kiệm và vay vốn với 17.866 hộ vay; tổng dư nợ qua kênh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 23 tỷ 976 triệu đồng, có 53 tổ tiết kiệm và vay vốn với 468 hộ vay; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển dư nợ hơn 43 tỷ 154,387 triệu đồng với 395 nhóm/2.876 thành viên vay vốn.

Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh Vy Thúy Hồng cho biết: Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thời gian qua các cấp Hội có những hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực, chị em phụ nữ trong tỉnh dần hòa mình vào quá trình chuyển đổi số, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong lao động, công tác.

Tuy nhiên, để đáp ứng hơn nữa yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hiện nay, mỗi hội viên, phụ nữ cần nỗ lực, tự trau dồi, trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ, ứng dụng công nghệ trên mọi lĩnh vực của đời sống như mua sắm trực tuyến không dùng tiền mặt, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử quảng bá sản phẩm... với tinh thần đổi mới, sáng tạo, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, từ đó, ngày càng thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của người phụ nữ trong xã hội.   

 Theo Nguyễn Thị Oanh (Báo Cao Bằng)