Theo Sở Thông tin và truyền Thông tỉnh Cà Mau, những năm gần đây, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành được triển khai ở tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp, mà còn giúp người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm việc với cơ quan Nhà nước được nhanh chóng và tiện lợi, từ đó tiến tới xây dựng chính quyền số, thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra theo nghị quyết, đề án chuyển đổi số  tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số quốc gia, khối lượng công việc và yêu cầu nghiệp vụ đối với lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng cao. Trong khi đó, một trong những vấn đề lớn đặt ra là nguồn nhân lực này tại các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở lại đang bị thiếu hụt nhiều so với nhu cầu thực tế và hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.

Qua kết quả điều tra, thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, cả tỉnh Cà Mau chỉ có 135 cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm có chuyên ngành công nghệ thông tin. Trong đó, có 9 thạc sĩ, 116 đại học và cao đẳng, 9 trung cấp.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chuyên trách vận hành an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được đặt tại trung tâm dữ liệu chính và trung tâm dữ liệu dự phòng còn hạn chế về số lượng và chất lượng chưa đảm bảo. Việc đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực thực hiện giám sát an ninh mạng còn chưa được quan tâm đúng mức.

anh chup man hinh 2024 01 23 luc 230238.png
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau đã kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin.

Ðể xây dựng, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin của tỉnh Cà Mau có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu trước mắt, lâu dài và tăng cường hơn nữa trong khả năng phòng, chống các nguy cơ tấn công mạng, Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau đã kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương. 

Ðồng thời, có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực an toàn thông tin trong các cơ quan đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị -  xã hội, cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Cà Mau đăng ký 10 nhân sự để Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn tham gia vào chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng.

564 cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được tham dự Chương trình bồi dưỡng kinh nghiệm quản lý hành chính công và xây dựng chính phủ số, chính quyền số - kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước trong khu vực (do tỉnh kết hợp với Tổ chức giáo dục toàn cầu TET tổ chức). 

28 cán cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện được tham dự Chương trình bồi dưỡng học tập kinh nghiệm về xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và quản lý, điều hành đô thị thông minh tại Hàn Quốc.

Tỉnh cũng còn thành lập Ðội ứng cứu an toàn thông tin mạng với 11 thành viên. Ðây là những người có chuyên môn kỹ thuật về công nghệ thông tin để đảm bảo vận hành hệ thống cũng như kịp thời khắc phục sự cố an toàn thông tin.

Các thành viên tổ vận hành này còn tham gia quản lý hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh; thường xuyên theo dõi hệ thống giám sát SOC và phần mềm phòng, chống mã độc để kịp thời phát hiện, cảnh báo lỗ hổng về bảo mật mất an toàn thông tin cho tỉnh. Từ đó, đưa ra hướng khắc phục, tiến hành cập nhật các bản vá lỗi để tránh nguy cơ bị tấn công các hệ thống ở trung tâm dữ liệu. Ðồng thời, theo dõi các kênh cảnh báo của cơ quan chức năng, các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời nguy cơ tấn công mạng. Báo cáo định kỳ về hoạt động tiếp nhận và xử lý sự cố của tỉnh về Cục an toàn thông tin

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) tổ chức các đợt tập huấn, diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh gắn liền với việc nâng cao năng lực chuyên môn của Đội ứng cứu sự cố của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đưa các thành viên vào trạng thái luôn thường trực, sẵn sàng xử lý sự cố và các cuộc tấn công trong thực tế. Đánh giá được năng lực của đơn vị giám sát hệ thống, cải thiện năng lực cho Đội ứng cứu sự cố.

Được biết, năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cũng phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuẩn hóa dữ liệu đáp ứng yêu cầu đô thị thông minh năm 2023.

Trọng tâm của lớp tập huấn nhằm giới thiệu các giải pháp triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh, trong đó có các nội dung về bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong chia sẻ, chuẩn hoá dữ liệu cho IOC. Các nguy cơ của an ninh thông tin. Một số nhóm giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Việc triển khai Trung tâm IOC là phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hiện tại cũng như định hướng phát triển chung của tỉnh trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, làm nền tảng để triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Nguyễn Xuân Quý, Nguyễn Thị Ngọc Trang