Ngày 27/11, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thuỵ Điển đã chính thức ra mắt tại thành phố Malmo, Thuỵ Điển. 

Trước mắt, hoạt động kết hợp đầu tiên giữa Hội và Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển là tổ chức hội thảo tư vấn trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường Bắc Âu sẽ diễn ra ngày 3/12 tới. Sau đó là những hoạt động dài hơi hơn để thúc đẩy hàng Việt Nam vào Thụy Điển.

Ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thuỵ Điển cho biết, nhiều hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã được các doanh nghiệp hội viên nhập khẩu và phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn của Thụy Điển.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực là một cú hích cho hàng Việt Nam tại thị trường Thụy Điển do thuế nhập khẩu hầu hết các mặt hàng của Việt Nam được giảm trong thời gian ngắn, tạo sự cạnh tranh rõ rệt so với hàng của các nước khác.

Hiện nay, nông sản, thực phẩm là các mặt hàng lợi thế do thuế được giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Một số mặt hàng được xuất sang thị trường Thụy Điển nhiều nhất là các sản phẩm làm từ gạo như như bún, mì, phở...

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, với nền kinh tế tri thức dựa trên nền tảng công nghệ cao và một hệ thống phúc lợi xã hội toàn diện, Thụy Điển hiện là một trong các quốc gia có mức sống cao nhất thế giới.

{keywords}
Đẩy mạnh đưa hàng Việt vào chuỗi siêu thị lớn Thụy Điển

Hơn nữa, thế mạnh trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, công nghệ cao… giúp Thụy Điển xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng chủ lực. Cụ thể như máy móc, phụ tùng cho ngành công nghiệp, viễn thông và có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam sản phẩm nông nghiệp, giày dép, dệt may, đồ gỗ… Đặc biệt gạo Việt Nam cũng có nhiều cơ hội vào thị trường Thụy Điển.

Đánh giá về tiềm năng của các mặt hàng Việt Nam tại thị trường này, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Phan Đăng Đương cho biết, quan hệ thương mại giữa hai nước có tính bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp, nhất là với các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới và nông sản chế biến mà thị trường EU nói chung và Thụy Điển nói riêng có nhu cầu cao.

Hiện quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu chiếm tỷ lệ khá nhỏ, chỉ khoảng 2,5 tỷ USD, do đó tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào thị trường này là rất lớn.

Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia) đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy ngoại giao kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và Bắc Âu kịp thời nắm bắt những thông tin quan trọng, tăng cường kết nối, thúc đẩy giao thương. Đặc biệt, Thương vụ đã xây dựng 2 trang web (tiếng Anh và tiếng Việt), Facebook, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp trực tuyến; xuất bản 7 cuốn sách điện tử (tiếng Việt) về thị trường Bắc Âu, 2 cuốn sách điện tử (tiếng Anh) về mặt hàng rau, quả và thủy sản của Việt Nam và 10 ấn phẩm tuyên truyền quảng bá cho hàng Việt Nam và cơ hội cho các nhà nhập khẩu khu vực Bắc Âu…

Trong bối cảnh châu Âu trở thành tâm dịch Covid-19, mọi hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, giao thương bị xáo trộn, đứt gãy, việc nhanh chóng thích nghi với điều kiện bình thường mới, sử dụng công nghệ thông tin để kết nối các doanh nghiệp trong nước với thị trường tiềm năng này có ý nghĩa rất quan trọng.

Tư vấn cho doanh nghiệp, ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thuỵ Điển cho rằng, Thụy Điển là thị trường khó tính với nhiều yêu cầu từ tiêu chuẩn của các sản phẩm nhập khẩu cũng như khẩu vị và thói quen cùng với giá cả.

Với góc độ là người đã có nhiều năm gắn bó với thị trường này cũng như là một trong những nhà nhập khẩu đã từng đi tiên phong trong vấn đề nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Việt Nam sang Thụy Điển, ông Tỷ cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên cải thiện về cách kinh doanh và xuất khẩu hàng của mình.

Cần chú trọng hơn về chất lượng và uy tín của các sản phẩm theo đúng những yêu cầu trong thương thuyết giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Giá cả các mặt hàng cần ổn định và cạnh tranh hơn. Nguồn hàng cung cấp cần đều đặn hơn nhằm tăng sự hiện diện của mình tại thị trường Thụy Điển cũng như thị trường Bắc Âu.

Thu Hà