Tại Hội nghị Tập huấn một số kiến thức mới về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức tại Hải Phòng đầu năm 2023, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết: Tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp thông qua phát triển hợp tác xã (HTX) và liên kết chuỗi giá trị nông sản là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022. 

Những năm qua nông nghiệp đã trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế. Tăng trưởng của ngành luôn duy trì ở mức khá 2,0-3,0% năm; sản lượng lương thực duy trì trên mức 50 triệu tấn, trong đó riêng lúa đạt 43-44 triệu tấn/năm. Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam vẫn có những điểm yếu cố hữu như chạy năng suất, theo sản lượng mà bỏ qua chất lượng nông sản. Đặc biệt, nông dân sản xuất trong cơ chế thị trường xong không biết hoặc không hiểu thị trường. Doanh nghiệp và nông dân cần nhau nhưng lại không thể xây dựng quan hệ bền vững. Bên cạnh đó, người sản xuất cần vốn, cần khoa học kỹ thuật nhưng ngân hàng và các tổ chức chuyển giao khoa học lại khó tiếp cận đến hàng triệu hộ nhỏ. Để thoát khỏi những vấn đề trên cần phải vượt qua tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và phải kết nối thành chuỗi, trong chuỗi này có sự hợp tác của những người hợp tác với nhau trên cơ sở các tổ chức nông dân  như HTX, tổ nhóm nông dân, hội quán. 

hop-t225c-x227.jpg
Tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp thông qua phát triển hợp tác xã và liên kết chuỗi giá trị nông sản là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030.

Hiện nay, trong chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, nội dung tổ chức sản xuất được xác định là một trong 05 nội dung trọng tâm của chương trình. Nội dung tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM cũng đã được cụ thể hóa trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới các cấp. 

Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho biết, yêu cầu đặt ra hiện nay là: “Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực quốc gia, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cho ngành hàng chủ lực của các địa phương. Dựa vào các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực, phát triển hợp tác xã, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại lớn để hình thành các chuỗi giá trị; lấy chuỗi giá trị của các nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ”. Vì vậy, nội dung tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp được xác định dựa trên 03 trục chính đó là: Phát triển các tổ chức của nông dân tổ hợp tác, HTX NN; Sản xuất theo hợp đồng và việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản; Phát triển vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản đạt chuẩn. 

Số liệu từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho biết: Đến hết tháng 12/2022, cả nước có khoảng 19.500 HTX NN và 91 Liên hiệp HTX NN. Nhiều mô hình mới xuất hiện trong đó phải kể đến 4.028 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trên 2.000 HTX NN ứng dụng CNC, công nghệ số, 2.297 HTX NN thành lập DN trong HTX, 145 HTX NN hoạt động trực tiếp gia XNK và khoảng 1.200 HTX là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 40% sản phẩm OCOP cả nước. Các HTX xã bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, những người đã qua đào tạo về làm việc. Mặc dù vậy, chất lượng hoạt động của khu vực KTTT, HTX vẫn được xem là còn nhiều hạn chế. Quy mô thành viên và quy mô vốn, doanh thu của các HTX còn nhỏ. Hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh như kho bãi, nhà xưởng, cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản còn sơ sài. Đặc biệt là năng lực quản lý, quản trị sản xuất kinh doanh của các HTX còn kém. Khả năng tiếp cận vốn khó khăn do tài sản chung của HTX nhỏ bé, không có tài sản thế chấp; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh chưa minh bạch. 

Vì vây, việc hỗ trợ phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới cần phải tuân thủ đúng bản chất của HTX là tổ chức kinh tế tương trợ, tự lực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, lấy lợi ích của thành viên làm mục tiêu thước đo thành công của HTX. Bên cạnh đó là tập trung để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, không chạy theo thành tích về số lượng hợp tác xã. Phải tôn trọng quy luật khách quan, một mặt không can thiệp sâu vào sản xuất kinh doanh của HTX, mặt khác phải giúp cho các HTX tham gia các chuỗi liên kết, ứng dụng KHCN nhất là công nghệ cao, công nghệ số và sản xuất theo định hướng của thị trường; quan trọng là phải giúp cho các HTX đổi mới tư duy trong sản xuất, kiến kết sản xuất và nâng cao năng lực tự quản lý, quản trị hoạt động của HTX. Các HTX cũng cần đẩy mạnh thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, cải tiến mẫu mã đáp ứng yêu cầu chất lượng các sản phẩm hàng hóa của thị trường, người tiêu dùng; cải thiện năng lực sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản và nguyên liệu nông sản cho các nhà máy, doanh nghiệp đầu ra. 

Nhiệm vụ phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn tới cần thống nhất về mô hình và phương thức hỗ trợ; Tuyên truyền, hướng dẫn nhằm “đổi mới tư duy” trong hỗ trợ phát triển;  Triển khai hiệu quả một số chương trình, đề án, dự án của Bộ Nông nghiệp và PTNT trên cơ sở nâng cao vai trò vị thế của HTX trong các chuỗi giá trị và vùng nguyên liệu đạt chuẩn; Tổ chức thực hiện thành công các cơ chế chính sách đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành…

Minh Thuý và nhóm PV, BTV