Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ Tài chính nhận định, pháp luật về đầu tư công đã tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phân cấp, phân quyền, quản lý thống nhất.

Bên cạnh việc Luật Đầu tư công đã phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư, Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung 09 Luật đã tiếp tục phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn nước ngoài cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương...

Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công, đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả trong triển khai sử dụng vốn. Trong 03 năm 2021-2023, hàng năm, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề, văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Chỉ thị và nhiều công điện của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, còn có các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và duy trì tổ chức các Tổ công tác của Chính phủ do các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Thành viên Chính phủ thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Những tồn tại của việc lập, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa được khắc phục trong giai đoạn 2021-2025.

Điển hình như việc chưa phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản và thu hồi số vốn ngân sách trung ương ứng trước. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương chưa bố trí thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 7.890,595 tỷ đồng. 

Hiện nay, nguồn ngân sách trung ương (dành tối đa không quá 30% vốn ngân sách trung ương) bổ sung có mục tiêu cho địa phương cơ bản đã được dự kiến phân bổ hết cho các dự án. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ nguồn vốn, phương án thu hồi số vốn ngân sách trung ương ứng trước cho các địa phương và thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội.

Cũng theo Bộ Tài chính, số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 53.049,202 tỷ đồng, chiếm 4% số vốn ngân sách trung ương được phép phân bổ chi tiết phải đưa vào dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, có trường hợp dự án đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng chưa đủ điều kiện để giao kế hoạch năm do chưa đủ thủ tục đầu tư trong khi kế hoạch hằng năm đã dành nguồn cho dự án này. Có thể kể đến Dự án Đường cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.500 tỷ đồng cho tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện. Kế hoạch năm 2021 là 300 tỷ đồng, năm 2022 là 538 tỷ đồng; số vốn kế hoạch hằng năm nêu trên đều không phân bổ được cho dự án và tỉnh Cao Bằng đã phải hoàn trả ngân sách trung ương. 

W-minhoa.png
Ảnh minh hoạ

Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án vừa có Thông báo 103/TB-BCĐ kết luận của Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án.

Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương rà soát, tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc tại các Bộ, ngành, địa phương; khảo sát, làm việc với các cơ quan có liên quan (nếu cần thiết), xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ; lựa chọn ngành, lĩnh vực, địa phương để thực hiện thí điểm sau đó báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép nhân rộng đối với các ngành, lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc (trong đó ưu tiên lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo, giao thông, các dự án đầu tư theo hình thức BT).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về phạm vi rà soát, tổng hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, bảo đảm phù hợp, hạn chế chồng lấn nhiệm vụ của Ban chỉ đạo với các Ban chỉ đạo, Tổ công tác liên ngành khác của Thủ tướng Chính phủ.