Tỉnh Phú Thọ có hai giống lúa nếp đặc sản là nếp Quạ Đen và Gà Gáy, đang được chú trọng đầu tư, nhân rộng sản xuất trên địa bàn các huyện Thanh Sơn, Yên Lập.
Mô hình sản xuất lúa nếp đặc sản Quạ Đen, huyện Thanh Sơn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn, lưu giữ được giống lúa nếp đặc sản truyền thống của địa phương. Mô hình “Giống lúa nếp Quạ Đen - đặc sản của địa phương” được huyện Thanh Sơn trồng thử nghiệm từ vụ mùa năm 2020 tại xã Thắng Sơn với diện tích 3ha, đến năm 2023 đã tăng lên 93,6ha tại 3 xã Thắng Sơn, Cự Đồng và Yên Sơn.
Các loại máy móc hiện đại được đưa vào sử dụng trong quá trình trồng trọt, gặt hái. HTX liên kết phát triển về giống lúa này cũng được thành lập nhằm tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm, từ đó đẩy mạnh quy mô trồng trọt.
UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện phối hợp với các xã có diện tích gieo cấy lúa nếp Quạ Đen để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực, chủ động trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Đồng thời đôn đốc bà con nông dân thường xuyên kiểm tra thăm đồng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời, nhất là tổ chức diệt chuột tập trung, duy trì đủ nước trong ruộng để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.
Để mở rộng và phát triển giống lúa nếp đặc sản của địa phương, nâng cao chất lượng, sản lượng, tăng giá trị cho sản phẩm, các hộ dân trên địa bàn xã Thắng Sơn đã cùng bàn bạc, thống nhất thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Sơn vào tháng 12/2023. Đơn vị này ra đời nhằm xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm gạo nếp Quạ Đen đặc sản, trên cơ sở ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vụ mùa năm 2023 vừa qua HTX đã vận động bà con trồng 60ha tại xã Thắng Sơn và mở rộng 10ha xã Cự Đồng cho hiệu quả rất tốt, sản lượng trung bình đạt 50 tạ/ha. HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ thành viên HTX. Ngoài ra đơn vị cũng phát triển các kênh bán hàng online, sử dụng mã QR quét nguồn gốc sản phẩm đầy đủ giúp nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường.
Đối với lúa nếp Gà Gáy được trồng nhiều tại xã Mỹ Lung (huyện Yên Lập), mỗi ngày, các xã viên HTX làm việc liên tục để cho ra các sản phẩm chất lượng cao. Đây là giống lúa dài ngày, được trồng trên những ruộng bậc thang, hạt dài, mẩy, có hương thơm, khi nấu xôi dẻo và vị ngon đặc trưng.
Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gạp nếp Gà gáy Mỹ Lung cùng bà con nông dân xã Mỹ Lung bàn bạc và quyết tâm quy hoạch cánh đồng riêng để trồng gạo nếp, gìn giữ một sản vật quý. Đồng thời, nghiên cứu đặc tính của giống cây để đưa ra phương pháp chăm sóc phù hợp nhất.
Ông Đinh Tiến Duật - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung cho biết: "Những năm gần đây, với ý thức giữ gìn nguồn gen của giống lúa quý và thấy được lợi ích từ đặc sản nếp Gà Gáy được thị trường ưa chuộng, tìm mua, ngày càng có nhiều hộ dân tại 10/11 khu dân cư trên địa bàn xã tham gia trồng giống lúa này. Hiện tỷ lệ số hộ trồng lúa nếp Gà Gáy chiếm trên 70% tổng số hộ làm nông nghiệp toàn xã. Tuy nhiên sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường".
Ngoài sản phẩm gạo nếp đóng túi xuất đi các tỉnh thành trong nước, HTX còn nghiên cứu tạo ra các loại rượu từ nếp Gà Gáy. Đây cũng là một mặt hàng được nhiều người ưa chuộng.
Sản phẩm gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 và được nâng hạng 4 sao theo Quyết định số 3050/QĐ-UBND ngày 18/11/2022 của UBND tỉnh Phú Thọ.