Chỉ vì muốn ăn đồ tươi ngon, vừa đẻ xong được 20 ngày, nhà lại không có ai đỡ đần nên tôi phải lao đi chợ. Lấy chồng gần 15 năm nay, trừ khi ở cữ hay đi vắng, hầu như ngày nào tôi cũng đi chợ.

Về nhà chồng ở Từ Liêm (Hà Nội) được 3 tháng, mẹ chồng bắt đầu bàn giao việc đi chợ cho tôi, kể cả lúc đó tôi đã có bầu. Bà bảo, nhà này không ai quen ăn đồ cũ từ hôm trước để lại, nên cố gắng hàng ngày đi chợ mua đồ mới.

Từ đó đến nay đã gần 15 năm, mưa cũng như nắng, chỉ trừ những ngày bão, ngày ở cữ, mấy ngày Tết âm lịch, đi công tác hay đi du lịch,... còn một năm 365 ngày thì có đến 350 ngày sáng sáng tôi xách làn đi chợ.

Được cái, đi chợ thì có nhiều đồ tươi ngon. Mà chợ gần nhà tôi vẫn mang đặc trưng nhà quê, nên sáng ra, các bà các cô mới chở rau đi bán. Mùa nào thức ấy, rau củ lúc nào cũng sẵn. Thi thoảng tôi mới phải mua của mấy bà hàng buôn.

{keywords}

Sau này tôi vẫn phải dậy con gái biết cách đi chợ (ảnh minh họa).

Thịt cá cũng vậy. Trong chợ, có 4-5 phản thịt mà tiểu thương chở cả con ra chợ, đến nơi mới ngả ra pha chế nên thích miếng nào, hàng thịt mới xẻ chỗ đó, miếng thịt còn ấm lại rất vừa í khách. Thỉnh thoảng có hàng cá sông, tôm sông bán cả món cũng rất tươi ngon.

Chính vì thế, hầu như quanh năm nhà tôi chỉ ăn đồ tươi sống mua ngoài chợ. Tôi hầu như không bước chân vào siêu thị, trừ phi cho con đi chơi, hay cực chẳng đã mới mua những mặt hàng mà bên ngoài không có. Siêu thị cũng bày bán đủ loại thực phẩm, trong đó đầy đủ rau thịt cá, nhưng thỉnh thoảng báo chí lại thông tin siêu thị A., trung tâm thương mại S., bị phát hiện đã trà trộn cả rau mua ở chợ đầu mối, cũng chẳng phải là sạch hoàn toàn, nên tôi cũng sợ. Còn thịt cá mà đã để đông lạnh, nhà chồng tôi chê bở, nhạt, ít khi đụng đũa.

Thậm chí, ở nhà tôi, mọi người không thích ăn đồ thừa từ hôm trước, chứ đừng nói là đồ đông lạnh. Tủ lạnh nhà tôi hầu như không có thực phẩm để sẵn.

Thấy tôi ngày nào cũng phải đi chợ, có người bảo: “Sao cháu không đi chợ một thể, mua dồn thực phẩm cho 2-3 ngày rồi để tủ lạnh, đỡ mất công?”.

Hơn nữa, buổi sáng tôi cũng rất bận vì còn phải, chuẩn bị cho con đi học, đưa đón con, chuẩn bị đi làm...

Nhưng vì sở thích, thói quen nên tôi thấy khó bỏ. Chỉ mất 20 phút là tôi mua đồ xong. Đi chợ quen, tôi thuộc lòng hàng rau, hàng cá, hàng thịt, hàng trứng, hàng hoa quả nào ngon mà lại rẻ, nên bao giờ cũng được phần chỗ nào ngon nhất, mà giá lại hợp lý. Chẳng may hết tiền, các bà các chị cho nợ thoải mái, thậm chí có hôm đi vội tôi quên cả ví tiền ở nhà, có người sẵn sàng cho vay, hôm khác trả cũng được. Điều mà nếu đi siêu thị, trung tâm thương mại không bao giờ có.

Nhưng, cũng chính vì lệ thuộc vào thực phẩm mua ở chợ mà tôi nhiều phen khiếp sợ. Đầu tiên là lần cả nhà đau bụng, chỉ vì tôi quá tin hàng rau quen mà không ngờ rằng, ở quê bây giờ bà con cũng phun thuốc trừ sâu. Cả nhà hãi hùng, con tôi miệng nôn trôn tháo còn phải đi truyền nước.

Sau lần đó, tôi biết chọn mua rau của nhà người quen, nhà nào trồng rau có đạo đức, trồng bán rau sạch. Hay hàng thịt cá cũng vậy, ít nhất là họ phải đảm bảo là hàng chuẩn, để không lo vướng vào thực phẩm bẩn.

Vụ khác, khi tôi sinh em bé thứ 2. Bà ngoại cậy nhờ có bà nội nên đi miền Nam ăn cưới. Bà nội trông con dâu và cháu được mấy ngày thì ốm nặng, phải nằm viện. Bố chồng tôi vẫn đi làm, chồng thì đêm phục vụ vợ con sáng ra lại phải vào chăm mẹ.

Nhà chồng lại neo người nên tôi không nhờ vả được ai. Thói quen ăn đồ tươi sống hàng ngày phản tác dụng. Mới sinh được chưa đầy 20 ngày, bất chấp cả việc phải kiêng cữ, tôi phải đội nón, đeo khẩu trang, bịt tai quấn khăn lao đi chợ, nếu không thì nhịn đói. Tôi cũng không dám gọi đồ bên ngoài, sợ không đảm bảo vệ sinh cho bà đẻ.

Sau đợt đó, dù vẫn duy trì thói quen đi chợ hàng ngày, bao giờ tôi cũng đề phòng để một ít hải sản như tôm, cá, một ít thịt gà, thịt lợn,… sẵn trong ngăn đông, đề phòng những khi có việc đột xuất không đi chợ được, hay nhà có khách.

Nói chung mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng tôi nghĩ sau này vẫn phải dậy con, nhất là con gái, biết cách đi chợ. Và dù gì, cũng nên thỉnh thoảng đi chợ, bởi đây không chỉ là nơi mua - bán thực phẩm, mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa tốt đẹp của người Việt.

Thu Hằng, 40 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội