Hạ tầng chuyển đổi số chưa đồng bộ cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Đề án 06. Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay toàn tỉnh còn 118/1.446 bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 30% người dân chưa có điện thoại thông minh; 86 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng di động 3G, 4G; 262 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định; 87/261 thôn, bản chưa có điện lưới; nhiều trạm BTS tại các vùng chưa có điện lưới phải hoạt động bằng điện máy nổ (trong đó, 9 vị trí trạm BTS phải sử dụng điện máy tổ toàn thời gian)…
Xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ hiện còn 4 bản: Hô Tâu, Huổi Văng, Huổi Lỏong và Nậm Pang chưa có điện lưới quốc gia, cùng với đó giao thông cách trở, cuộc sống của nhiều hộ dân còn nhiều khó khăn… là những nguyên nhân khiến dòng chảy chuyển đổi số dường như chưa thể chạm đến nhịp sống của nhiều người dân nơi đây.
Không riêng xã Nậm Khăn, theo ông Chu Văn Sử, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nậm Pồ, đến thời điểm này huyện Nậm Pồ vẫn còn 20 bản và 23 nhóm bản chưa có điện lưới quốc gia. Điều này gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận thông tin cũng như vướng mắc của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các nội dung chuyển đổi số.
Báo cáo của UBND tỉnh đã chỉ ra còn nhiều tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Đề án 06. Không chỉ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hay hạ tầng chuyển đổi số chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc, khó khăn khác, như: Ngân sách hạn chế, chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tiễn; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa của tỉnh thấp ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các giao dịch hành chính của người dân, doanh nghiệp; nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; trình độ dân trí không đồng đều nên việc tiếp cận với công nghệ gặp nhiều khó khăn.
Theo Thu Hằng (Báo Điện Biên Phủ)