Trung tuần tháng 12/2024,  ông Đỗ Văn Tám, thôn Lũ Phong, xã Ái Quốc (Tiền Hải) cùng nhiều người dân trong xã đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước (trước đây là thẻ căn cước công dân) tại trụ sở UBND xã.

Nhờ được cán bộ công an hỗ trợ tận tình nên chỉ sau 15 phút ông đã hoàn thiện toàn bộ các thủ tục và chỉ đợi ngày nhận thẻ căn cước mới. 

Ông Tám chia sẻ: Ái Quốc là xã mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Tây Phong và xã Tây Tiến; theo đó, người dân cần thay đổi một số giấy tờ cá nhân để phù hợp với tên xã mới. Được tổ lưu động của Công an huyện về địa phương hỗ trợ cấp thẻ căn cước, bà con rất phấn khởi vì tiết kiệm thời gian.

Chúng tôi mong các cơ quan, đơn vị tiếp tục hỗ trợ nhân dân nhanh chóng hoàn thiện các loại giấy tờ khác theo tên đơn vị hành chính mới, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của người dân khi cần sử dụng giấy tờ tùy thân. 

Cấp thẻ căn cước tại xã Ái Quốc nằm trong chiến dịch cấp thẻ căn cước lưu động do Công an huyện Tiền Hải tổ chức tại cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Cùng với chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, tổ lưu động mời công dân đến thu nhận hồ sơ theo từng khung giờ bảo đảm khoa học, hợp lý, tránh tình trạng phải chờ đợi lâu; hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, lệ phí để người dân biết; phát số, thông báo thứ tự, bố trí chỗ ngồi, tạo mọi điều kiện thuận lợi và sự hài lòng cho công dân. 

Thượng tá Nguyễn Tiến Tới, Phó Trưởng Công an huyện Tiền Hải cho biết: Thời gian qua, Công an huyện phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số; tham mưu đầu tư hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm an toàn thông tin, kết nối dữ liệu thông suốt; hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết các thủ tục hành chính với tỷ lệ đạt 93,3%.

Cùng với đó, Công an huyện đã hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; thực hiện tốt việc cấp thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử; phối hợp với các ngành đẩy mạnh chi trả lương hưu, chi trả an sinh, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt… Tiền Hải cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành số hóa 119.517 dữ liệu hộ tịch trong thời gian 15 ngày. 

Số hóa dữ liệu hộ tịch cũng là điểm nhấn thể hiện sự bứt phá, tăng tốc của Thái Bình trong thực hiện Đề án 06 trong năm 2024. Đến ngày 21/12/2024, 100% các huyện, thành phố đã hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Ông Đoàn Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định: Kết quả này được coi là kỳ tích, bởi ban đầu ngành tư pháp dự kiến với số lượng hồ sơ lớn như vậy phải mất nhiều năm, tốn kinh phí hàng chục tỷ đồng mới có thể hoàn thành được.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, quyết tâm cao của ngành tư pháp cùng với hỗ trợ về thiết bị của ngành công an và sự quyết liệt của chính quyền từ cấp huyện tới cấp xã, chỉ trong 19 ngày Thái Bình đã hoàn thành số hóa gần 1,3 triệu dữ liệu hộ tịch.

Đặc biệt, các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, có sự tham gia tích cực của đội ngũ giáo viên, đoàn viên, thanh niên chia thành nhiều tổ, nhiều ca trực làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch.

Trong những ngày diễn ra chiến dịch, ngành tư pháp thành lập 8 nhóm zalo liên tục cập nhật tình hình, phân công cán bộ bám cơ sở sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Việc số hóa dữ liệu hộ tịch đã tiết kiệm không gian, chi phí, nguồn nhân lực vì không phải lưu trữ số lượng lớn hồ sơ giấy; đồng thời truy xuất dữ liệu điện tử dễ dàng, nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian tìm hồ sơ gốc, từ đó giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

thai binh 2  ok.jpg

Lực lượng công an hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. 

Theo Đại tá Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Với vai trò cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh ban hành nhiều chủ trương, định hướng, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thực hiện Đề án 06.

Tổ chức các “chiến dịch” ra quân ngày đêm hỗ trợ cấp thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử với tinh thần “làm hết việc chứ không làm hết giờ” để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đến nay, Công an tỉnh đã cấp 1,6 triệu thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, đạt 100% công dân đủ điều kiện; kích hoạt trên 1,2 triệu tài khoản định danh điện tử, đạt 80% dân số trên 14 tuổi.

Ngành công an đã tổ chức làm sạch dữ liệu dân cư bảo đảm “đủ, sạch, sống” và được ứng dụng mạnh mẽ trong các mặt của đời sống xã hội, là “chìa khóa” để hỗ trợ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến.

Tỷ lệ người dân nộp thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến tăng từ 60% năm 2022 lên 86,94% năm 2024; qua đó giúp giảm giấy tờ công dân, giảm chi phí đi lại, in ấn tài liệu, tiết kiệm cho người dân và Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Toàn tỉnh có trên 2 triệu lượt người sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước trong khám chữa bệnh; 32/32 bệnh viện, 741/741 cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán viện phí, thu học phí không dùng tiền mặt; đã tích hợp trên 310.000 thẻ bảo hiểm y tế, 257.000 sổ sức khỏe điện tử.

Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã để khai thác, tra cứu thông tin dân cư đã giúp giảm giấy tờ công dân với hàng trăm nghìn lượt truy cập mỗi ngày. 

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, đồng bộ trong thực hiện Đề án 06, Thái Bình đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí; tạo nền tảng quan trọng để tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. 

 Theo Quỳnh Lưu (Báo Thái Bình)