Khi HTX giữ vai trò đòn bẩy
Chia sẻ tại Tọa đàm “HTX: Đòn bẩy giảm nghèo đa chiều bền vững” mới đây, nhiều đại biểu đồng thuận quan điểm, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa bao giờ là bài toán dễ. Bởi với cơ sở hạ tầng khó khăn, nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia dàn trải, trình độ dân trí thấp… khiến hướng đi thoát nghèo tại các địa phương này rất dễ đi vào bế tắc.
Lời giải cho bài toán giảm nghèo bền vững khu vực này có thể đến từ mô hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) với đa dạng các lĩnh vực hoạt động, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập, đẩy lùi cái nghèo. Theo Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện đã có gần 30.000 HTX, trên 223.000 tổ hợp tác, trong đó riêng vùng dân tộc thiểu số có khoảng 5.000 HTX và hơn 10.000 tổ hợp tác. Nhiều HTX, tổ hợp tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang làm tốt vai trò tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nhận thức cho bà con.
“Kinh tế tập thể, HTX có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững. Bởi kinh tế tập thể là một hình thức kinh tế chia sẻ, phát triển gắn với chuỗi giá trị. Kinh tế tập thể với nòng cốt là các HTX hoạt động có sự công bằng, không phân biệt người giàu, người nghèo. Điều này khác với mô hình công ty cổ phần, ai đóng góp nhiều thì có quyền năng nhiều”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định và coi đây chính là hướng đi, là đòn bẩy nhằm thoát nghèo cho bà con.
Được biết, năm 2022 khu vực kinh tế tập thể, HTX đang đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% vào GDP của cả nước, đóng góp gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Do vậy, mô hình HTX đang trở thành đòn bẩy, bệ đỡ và điểm tựa cho nông dân nói chung, cho người dân các khu vực khó khăn, miền núi nói riêng trong thời gian tới.
Những quả ngọt bước đầu
Nói rõ định hướng phát triển mô hình HTX, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, kinh tế tập thể, HTX sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán nhận thức sản xuất, giải quyết việc làm, đào tạo việc làm, ứng dụng công nghệ từng bước mà không bị ràng buộc bởi một phương thức cứng nhắc nào (một tuần, một tháng gặp nhau bàn bạc về phương thức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nhau sản xuất). Mô hình HTX phù hợp với trình độ người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì đòi hỏi trình độ hợp tác giản đơn nhưng lại có sự đoàn kết cộng đồng.
“Việc liên kết giữa HTX với HTX, tổ hợp tác với HTX hoặc HTX với các loại hình khác sẽ nâng cao tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, giúp đời sống người dân tốt hơn, từ đó thúc đẩy giảm nghèo đa chiều tốt hơn”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh. Dẫn chứng cho quan điểm này, bà Vân cho biết hiện vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành được những HTX quy mô lớn như HTX 19/5 (Sơn La), HTX thổ cẩm Lan rừng Sa pa (Lào Cai)…, nhưng cũng còn không ít HTX quy mô nhỏ, ít thành viên.
Đơn cử, HTX thổ cẩm Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) đã thu hút được 140 thành viên và nhiều hộ liên kết. Hàng năm, HTX Tả Phìn cung ứng được hàng chục nghìn sản phẩm thổ cẩm ra thị trường trong nước và nước ngoài. Nhờ đó đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các thành viên ở mọi lứa tuổi (tối thiểu 3-4 triệu đồng/tháng với thợ phụ và 7-8 triệu đồng/tháng với thợ chính). Cũng từ mô hình sản xuất này, tình trạng người dân đi bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch mua thổ cẩm như trước đã không còn, thay vào đó khách du lịch tìm đến tận nơi sản xuất tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Theo bà Vân, HTX thổ cẩm Tả Phìn chỉ là một trong những mô hình kinh tế tập thể đang phát triển bền vững và hiệu quả sau hàng chục năm thành lập, từ đó góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân địa phương giảm nghèo bền vững. từ thành công bước đầu này, HTX Tả Phìn đang mong muốn phát triển thêm dịch vụ homestay để tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân bản địa. Sự kết hợp giữa sản xuất và thương mại, từ bán thổ cẩm cho tới dịch vụ du lịch đã biến nghề thổ cẩm trước đây của người Mông ở Sa Pa đi theo hướng mới, tạo sinh kế và giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bà Vân cũng thừa nhận, để mô hình HTX phát triển mạnh tại các tỉnh miền núi là không hề dễ dàng bởi HTX có quy mô lớn sẽ trở thành "chiếc áo quá rộng" khiến các thành viên HTX "khó bơi" thành thạo trong môi trường hợp tác liên kết. Bên cạnh đó, có thể do sự liên kết giữa các tổ chức địa phương chưa cao nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX ở cùng địa phương, cùng vùng miền núi liên kết với nhau, dẫn tới vẫn còn những HTX quy mô nhỏ. Việc đào tạo cũng chưa được quan tâm nên chưa nâng cao nhận thức trong việc tham gia, đào tạo, thu hút người dân vào HTX cũng chưa được như kỳ vọng…