Tuyên bố “Make in Vietnam - Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất” được Bộ TT&TT đưa ra tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ngày 9/5/2019 trong thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng từ đông đảo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ nước nhà.

CEO VNCS: Hiện nay đang là thời cơ tốt để các doanh nghiệp CNTT Việt Nam vươn lên | Để “Make in Vietnam” được trên diện rộng, cần sự kiên trì theo đuổi của các doanh nghiệp | Để “Make in Vietnam” được trên diện rộng, các doanh nghiệp cần phải kiên trì

Ông Khổng Huy Hùng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam  - VNCS.

Bàn về thời cơ, sự thuận lợi của ngành công nghệ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để thực hiện định hướng “Make in Vietnam”, trong trao đổi với ICTnews, ông Khổng Huy Hùng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) nhận định, các công nghệ mới của cách mạng 4.0 đã đưa lại một cuộc cạnh tranh công bằng hơn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, giữa các doanh nghiệp truyền thống lâu đời và doanh nghiệp số.

“Trong khi các doanh nghiệp truyền thống có thể gặp phải nhiều rào cản khi chiến tranh thương mại đang diễn ra thì các doanh nghiệp số lại chịu ít sức ép hơn và có thể phát triển vươn lên dẫn đầu. Bên cạnh đó, với sự hậu thuẫn, hỗ trợ lớn từ Bộ TT&TT và các cơ quan ban ngành, tôi nghĩ đây là thời cơ tốt để các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ có thể vươn lên, nhất là trong các lĩnh vực mới như an toàn thông tin mà VNCS đang hoạt động”, ông Khổng Huy Hùng đánh giá.

Người đứng đầu Công ty VNCS cũng thẳng thắn bày tỏ, ông có niềm tin rằng Việt Nam có thể thực hiện thành công định hướng “Make in Việt Nam”. Bởi lẽ, theo ông, Việt Nam có đội ngũ CNTT dồi dào và nhiều ý tưởng, họ hoàn toàn có thể biến những ý tưởng thành các sản phẩm cụ thể.

Tuy nhiên, để “Make in Vietnam” được triển khai trên diện rộng, cần các doanh nghiệp phải đầu tư lâu dài và kiên trì theo đuổi. “Ở Việt Nam tạo ra một sản phẩm tốt thôi là chưa đủ, trường vốn và đủ bản lĩnh để chịu đựng và vượt qua khó khăn (bao gồm cả khó khăn về thị trường, về thị hiếu đối với sản phẩm Việt và đôi khi còn là sự soi xét) mới là những yếu tố tiên quyết, mà điều này thì không phải doanh nghiệp, doanh nhân Việt nào cũng có!”, ông Hùng nêu quan điểm.

CEO VNCS: Hiện nay đang là thời cơ tốt để các doanh nghiệp CNTT Việt Nam vươn lên | Để “Make in Vietnam” được trên diện rộng, cần sự kiên trì theo đuổi của các doanh nghiệp | Để “Make in Vietnam” được trên diện rộng, các doanh nghiệp cần phải kiên trì

Bên cạnh việc phân phối sản phẩm của nhiều hãng bảo mật lớn trên thế giới, VNCS còn cung cấp các sản phẩm do chính doanh nghiệp phát triển như giải pháp giám sát website tập trung - VNCS Web Monitoring; dịch vụ tư vấn, rà soát, đánh giá bảo mật – Penetration Test.

Thông tin về quá trình tự nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, giải pháp của doanh nghiệp mình, ông Hùng cho hay, VNCS bắt đầu phát triển giải pháp giám sát website tập trung - VNCS Web Monitoring từ năm 2012 và đưa ra thị trường từ năm 2014. Đến nay, sản phẩm cũng đã có những ghi nhận nhất định từ thị trường trong nước.

Từ kinh nghiệm của đơn vị mình, ông Hùng cho rằng: “Thách thức lớn nhất đối với sản phẩm công nghệ Việt không phải ở vấn đề kỹ thuật, công nghệ mà ở thị trường. Các sản phẩm do Việt Nam phát triển vẫn còn bị khách hàng nhìn nhận tương đối hạn chế”.

Một lần nữa nhấn mạnh tâm lý thích sản phẩm nước ngoài là vấn đề đang xảy ra đối với các sản phẩm trong nước, cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm mới, CEO Công ty VNCS nhận định, sẽ mất thời gian tương đối dài để được thị trường nhìn nhận và chấp nhận sử dụng. Thực tế là, không còn cách nào khác để vượt qua ngoài việc phải dấn thân và chứng minh được năng lực của công ty, của sản phẩm mình tạo ra.

“Cũng chính vì hiểu được tâm lý này, VNCS đã quyết định đi cả 2 chân, vừa phân phối sản phẩm nước ngoài, vừa bán sản phẩm mình phát triển. Đó là cách chúng tôi đang vượt qua rào cản này chứ không đắm đuối với suy nghĩ và mục tiêu phải “ép” bằng được khách hàng dùng sản phẩm do mình phát triển.

Mặt khác, với những nỗ lực từ Bộ TT&TT và các cơ quan truyền thông, chúng tôi mong rào cản này sẽ ngày càng ngắn lại, các khách hàng sẽ chấp nhận, ưa chuộng sử dụng sản phẩm trong nước”, ông Hùng chia sẻ.

Đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ TT&TT thời gian qua đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNTT, An toàn thông tin phát triển, ông Hùng cũng đề xuất, với mỗi lĩnh vực, cơ quan  nhà nước, Bộ TT&TT nên chọn một số doanh nghiệp tiên phong để hỗ trợ những đơn vị này xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. “Dù vậy, tôi cho rằng sẽ không có sự hỗ trợ nào giá trị hơn nỗ lực của từng doanh nghiệp”, ông Hùng nhấn mạnh.