Ngày 18/10, Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa môn Toán thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025. Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội, đánh giá đề môn Toán có sự khác biệt rõ rệt so với trước đây. “Đề phân hóa khá mạnh hơn so với những năm trước và rất thách thức với thí sinh. Nếu giữ mức độ đề thi như vậy, trong vài năm tới, điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm mạnh”, thầy Tùng nói.

Tuy nhiên, thầy giáo này cũng cho rằng, đây là hướng thay đổi tích cực, đúng với mục tiêu của chương trình mới là giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh. Đề thi dạng này cũng sẽ tác động trở lại làm thay đổi tích cực cách dạy và học trong thời gian tới.

Về cấu trúc, đề thi sẽ gồm 3 phần. Phần I chiếm 3 điểm, bao gồm các câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn với 12 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Theo thầy Tùng, đây là phần dễ nhất của đề thi, tạo điều kiện lấy điểm cho phần lớn học sinh.

Phần II chiếm 4 điểm, gồm các câu trắc nghiệm đúng sai, mỗi câu 4 ý và được sắp xếp tăng dần độ khó từ cấp độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng.

Phần III chiếm 3 điểm, gồm 6 câu trắc nghiệm trả lời ngắn ở cấp độ vận dụng. Đây được đánh giá là phần khó nhất của đề thi.

Về nội dung đề thi, các kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 70% (7 điểm), bao gồm tất cả các nội dung học sinh được học ở lớp 12 như hàm số, thống kê, tích phân, xác suất có điều kiện, véc tơ và hệ trục tọa độ, phương pháp tọa độ trong không gian.

Nội dung kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% (3 điểm), gồm các nội dung như hình học không gian; lượng giác; dãy số - cấp số cộng - cấp số nhân; mũ - logarit; xác suất cổ điển.

Mức độ nhận biết, thông hiểu trong đề chỉ chiếm 60%, còn lại 40% là mức độ vận dụng. “Một trong những thách thức lớn nhất của đề thi là có đến 50% các bài toán liên quan đến thực tế, chiếm 5 điểm. Đây là điểm nhấn của chương trình mới nhằm gắn môn Toán với thực tiễn, song học sinh vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn do cả cách dạy và học chưa phù hợp”, thầy Tùng nói.

Với đề thi này, thầy Tùng đánh giá học sinh trung bình có thể đạt 5-6 điểm; học sinh khá đạt 6-7 điểm; học sinh giỏi có thể đạt 7-8 điểm. Để đạt từ 9 điểm trở lên, học sinh cần nắm chắc kiến thức, có khả năng phân tích, tư duy tốt và kỹ năng tính toán nhanh.

Đồng quan điểm, thầy Hoàng Ngọc Chiến, giáo viên Toán, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn đánh giá, đề thi có khoảng trên 70% nội dung là kiến thức lớp 12, còn lại là lớp 10 và 11. Đề xuất hiện nhiều câu hỏi thực tế, đúng với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học thế nào để đạt điểm cao?

Thầy Trần Mạnh Tùng chỉ ra 5 điểm mới của đề minh họa môn Toán, gồm: toàn bộ đề thi không có bài nào chứa tham số; không có hàm số hợp (dạng khó của những năm trước); đề thi có phần thống kê, xác suất có điều kiện (theo chương trình mới, bỏ phần số phức và có thêm phần thống kê, xác suất có điều kiện); có nhiều bài toán thực tế. Ngoài ra, đề giảm sự tính toán phức tạp và tăng phần tư duy, phân tích để giải quyết vấn đề.

Với sự thay đổi này, thầy Tùng cho rằng, để đạt điểm cao môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây, học sinh cần nắm chắc kiến thức nền tảng, hiểu bản chất vấn đề; tăng cường liên hệ với các môn học khác, liên hệ thực tế.

Ngoài ra, người học cần rèn kỹ năng đọc đề, phân tích đề và lên phương án giải quyết vấn đề; rèn kỹ năng tính toán nhanh, chính xác và tăng cường luyện tập, giải toán, làm đề với đa dạng các nội dung, nhất là các bài toán ở phần III.