Xác nhận tình trạng rác thải đang được tập kết tại những điểm chứa thải trong khu dân cư, trên đường đô thị, thậm chí cả việc xẻ đồi, khoét rừng để chứa rác… như VietNamNet phản ánh nhưng Chủ tịch TP Hòa Bình Bùi Quang Điệp luôn nhấn mạnh, đó là những bãi “tập kết tạm thời” chứ không phải bãi chứa rác hay chôn lấp rác.
“Khi tìm được “đầu ra” xử lý rác thải, chúng sẽ được mang đi xử lý theo quy định, hoàn trả lại hiện trạng để bảo đảm mỹ quan thành phố. Tôi khẳng định không phải bãi chôn rác thải, chỉ là bãi tập kết rác thải tạm thời” – ông Điệp cho biết.
Chủ tịch thành phố Hòa Bình cho biết đã tổ chức họp bàn hơn 40 cuộc họp nhưng chưa giải quyết dứt điểm vấn đề trân. Đồng thời cho biết ông “rất xấu hổ với người dân” khi các cuộc họp tiếp xúc cử tri bị người dân chất vấn về vấn đề này.
Hiện tại, rác thải sinh hoạt của thành phố Hòa Bình đang tập kết tại đường Trương Hán Siêu (phường Tân Hòa); đường nội bộ Khu công nghiệp Mông Hóa; tại các khu đất thuộc xóm Văn Minh (xã Quang Tiến) và tổ 9 (phường Kỳ Sơn) như VietNamNet phản ánh.
Khi các điểm tập kết này quá tải, thành phố tiếp tục có công văn xin ý kiến UBND tỉnh Hòa Bình về việc nghiên cứu, khảo sát phương án tập kết rác thải rắn sinh hoạt tạm thời tại xóm Can (xã Độc Lập, Tp Hoà Bình).
Đây chính là khu đất rừng sản xuất của một hộ dân xã Độc Lập, được chuyển đổi để làm bãi chứa rác thải tạm thời như Chủ tịch UBND TP Hoà Bình lý giải.
Trưởng phòng TN&MT TP Hòa Bình Lê Quang Huân xác nhận, điểm tập kết rác thải tại xóm Can (xã Độc Lập) là điểm duy nhất TP đề xuất xin chủ trương bằng văn bản, được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận. Các điểm còn lại (gồm các điểm tập kết rác tại phường Tân Hòa, Kỳ Sơn, xã Quang Tiến), thành phố không xin ý kiến bằng văn bản, mà chỉ “báo cáo miệng”.
Với khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày tại thành phố Hòa Bình là 75 tấn rác/ngày, khối lượng rác tích trữ trong thành phố sau gần 2 năm (từ tháng 8/2020 tới nay) lên tới nhiều nghìn tấn.
Các điểm tập kết rác (dù là tạm thời) được đổ lộ thiên, không che chắn theo quy định hoặc chỉ che phủ bạt sơ sài bên trên. Tình trạng nước rỉ rác nhất là những ngày mưa đã gây ô nhiễm môi trường.
Người dân sở tại và các đơn vị liên quan (Nhà máy nước sạch Sông Đà, Nhà máy nước sạch Lương Sơn) đã có văn bản phản ánh khi lo ngại sẽ ảnh hưởng, ô nhiễm đến nguồn nước đầu vào của nhà máy nước sạch.
“Chính quyền đã thành lập các đoàn kiểm tra, sau đó có phương án khắc phục sự cố, cho đơn vị thu gom nước rỉ rác phát sinh” – ông Lê Quang Huân lý giải.
Vì sao rác của TP Hòa Bình “tắc” không có “đầu ra”?
Theo lý giải của ông Bùi Quang Điệp, trước đó, rác thải sinh hoạt của thành phố do Nhà máy xử lý rác Hoàng Long (đặt tại huyện Lương Sơn) đảm nhiệm. Đơn vị này ký hợp đồng xử lý rác của thành phố từ cuối năm 2014, bình quân khoảng 60 tấn/ngày.
Tuy nhiên, đơn vị này đã quá tải rác thải, hệ thống xử lý rác thải xuống cấp, không hoạt động hoặc đã tháo dỡ từ năm 2021. Nhà máy này cũng thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý vi phạm nhưng chưa khắc phục được.
Lượng rác thải lớn, liên tục được đưa về, trong khi công suất xử lý hạn chế nên không xử lý hết lượng rác trong ngày đã gây ra tình trạng quá tải, tồn đọng rác thải, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khu vực xung quanh.
Tháng 6/2021, cơ quan chức năng huyện Lương Sơn kiểm tra Nhà máy rác Hoàng Long ghi nhận hệ thống xử lý rác thải dừng hoạt động do lò đốt số 1 đã hỏng, không khắc phục sửa chữa được, công ty đã tháo dỡ từ tháng 1/2021. Lò đốt số 2 hỏng hệ thống ống khói và dừng hoạt động từ khoảng tháng 3/2021.
Trước thực trạng trên, Phòng TN&MT huyện Lương Sơn đề xuất UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Hòa Bình có phương án xử lý rác thải đối với lượng rác thải của TP gửi, tập kết tại nhà máy xử lý rác thải Hoàng Long.
Công ty Hoàng Long được yêu cầu khẩn trương khắc phục, sửa chữa hệ thống lò đốt số 2 để đưa vào vận hành xử lý rác thải; dừng việc tiếp nhận rác thải từ các khu vực ngoài địa bàn huyện Lương Sơn để tập trung xử lý rác thải còn tồn đọng tại nhà máy.
Trong quá trình hoạt động, Công ty Hoàng Long đã nhiều lần bị cơ quan chức năng kiểm tra, ra quyết định xử phạt vi phạm do để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục, trái lại còn diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
Phòng TN&MT huyện Lương Sơn kiến nghị xem xét thu hồi đối với dự án nhà máy xử lý rác thải Hoàng Long tại Lương Sơn.
Nhà máy xử lý rác thải Hoàng Long do Công ty TNHH đầu tư thương mại Hoàng Long, chi nhánh Hòa Bình (Công ty Hoàng Long) làm chủ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011 với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 10,8 ha; công suất thiết kế 50 - 80 tấn/ngày.
Tuy nhiên, dù đang có những vấn đề về sai phạm, bị yêu cầu xử lý, khắc phục, đơn vị này chính là một trong hai công ty đang “giúp” TP Hòa Bình vận chuyển rác thải từ các “điểm tập kết rác tạm thời” nói trên xuống một điểm tập kết tạm thời khác (chính là bãi chứa rác tại xóm Can) trong thời gian chờ… chính quyền tìm đơn vị nhận xử lý rác.
Trong lúc đang loay hoay “tìm đầu ra” xử lý rác thải sinh hoạt, TP Hòa Bình chọn giải pháp chuyển rác từ chỗ này sang chỗ khác thực chất là việc “đánh bùn sang ao”. Nó không chỉ gây các vấn nạn ô nhiễm môi trường mà còn tiêu tốn nguồn ngân sách chi cho việc vận chuyển rác lòng vòng quanh thành phố.
Tuy nhiên, ngay bên trong thành phố Hòa Bình – một nhà máy xử lý rác thải vừa đi vào hoạt động đã phải đóng cửa trong gần 2 năm vì “không có đường vào” cho rác. Đó là dự án xử lý rác thải Thịnh Minh (xã Thịnh Minh), cách TP Hòa Bình chừng 20km.