Sau khi đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2023 được công bố, rất nhiều ý kiến trao đổi, bàn tán về nội dung đề thi Văn năm nay. Cảm nhận chung của dư luận là lẽ ra đề thi văn mang tầm quốc gia cần thoát khỏi lề lối cũ, sáo mòn để khơi dậy cho thế hệ trẻ những giá trị thời đại.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh bày tỏ quan điểm: “Một đề thi như thế này ngỡ như đề thi của những năm 60... bây giờ cái cần phá là phá lối mòn, phá trì trệ, phá lười biếng để giành kiến thức, để làm chủ các đỉnh cao trí tuệ, chứ không phải là tiếp tục phá... kho thóc....”.
“Đề thi hãy cho các cháu một bầu trời sáng tạo, một bầu trời ước mơ, một bầu trời hòa bình để tự do bay, để nghĩ ra được những điều lớn lao cho tuổi trẻ mình, cho đất nước”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh bày tỏ mong muốn về một đề thi giúp thế hệ trẻ hiện nay thể hiện được năng lực, tâm hồn và khát vọng của mình.
Nhận xét về đề Văn 2023, GS. Trần Đình Sử viết: “Về mặt sư phạm không có gì sai, về cấu trúc đề cũng vậy. Nhưng tinh thần của đề là hỏng… Cái hỏng của đề, theo tôi, là thiếu ý thức về giá trị tinh thần hiện đại. Làm tốt được cả bài, coi như thí sinh có được một số tri thức ngữ văn, xét về mặt dạy chữ. Còn dạy người là gì, thì rất cũ”.
Trong một bài viết đăng trên báo Dân Việt, tác giả Hà Tùng Long trăn trở: “Liệu khơi lại những tăm tối đó có thắp sáng được ước mơ, có vun đắp nên lòng nhân ái, có tạo điểm tựa về niềm tin cho hơn 1 triệu thanh niên đang căng tràn nhựa sống, đang hừng hực sức trẻ, muốn dấn thân, muốn cống hiến, muốn hội nhập toàn cầu không? Đề Văn kiểu này có đủ đánh giá được tầm hiểu biết của học sinh không hay chỉ đơn thuần là giáo điều máy móc?”.
Theo tác giả Hà Tùng Long, “Từ cái đề Văn này, tôi có cảm giác việc dạy Văn ở trường phổ thông đang tạo ra những "cỗ máy" biết chém gió, biết sống ảo, biết làm anh hùng bàn phím hơn là dạy Văn để làm Người”.
Thiết nghĩ, những ý kiến trên đây đã đủ để thấy rằng, đề Văn tốt nghiệp THPT 2023 rõ ràng là chưa phù hợp với thời cuộc; chưa thoát khỏi lối mòn, khuôn sáo trong cách dạy văn, học văn và làm văn suốt mấy chục năm qua.
Lối mòn ấy có thể xuất phát từ nội dung, chương trình môn Văn và cách làm sách giáo khoa. Không ai phủ nhận giá trị vượt thời gian của các tác phẩm văn học trước 1975 như Vợ Nhặt, Chí Phèo, Tây Tiến, Việt Bắc, Rừng xà nu, Người lái đò Sông Đà,… Nhưng cũng không vì thế mà cứ bắt thầy cô và các thế hệ học trò loay hoay mãi trong các kỳ thi cử với những tác phẩm không còn phù hợp với bối cảnh xã hội thời khoa học công nghệ phát triển như vũ bão.
Trong lúc đó, văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay đã trải qua gần nửa thế kỷ phát triển, không hiếm những tác phẩm hay, mang hơi thở cuộc sống và thời đại, đậm chất nhân văn và khát vọng vươn tới những giá trị cao cả, phổ quát của nhân loại. Thế nhưng buồn thay, những tác phẩm văn học đương đại cho đến nay vẫn vắng bóng trong sách giáo khoa Ngữ văn ở bậc phổ thông.
Lối mòn ấy có thể bắt đầu từ những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước khi các bộ đề thi tuyển sinh đại học trong đó có môn Văn, được xuất bản, mở đầu một giai đoạn mới, dạy học thi cử gò theo đáp án các bộ đề thi đã được soạn sẵn.
Tính khuôn mẫu đạt tới đỉnh cao khi đề thi môn Văn được chia làm hai phần: “Đọc hiểu” và “Làm văn”. Cấu trúc đề thi như thế là bất di bất dịch từ năm này qua năm khác. Nội dung, đáp án các câu hỏi của đề thi cho thấy đó chỉ là kiến thức ngữ văn cơ bản mà học sinh đã được học, được kiểm tra, đánh giá trong suốt năm học.
Việc đưa những kiến thức như thế vào đề thi tốt nghiệp THPT mang tầm quốc gia thêm một lần trùng lặp, không giúp ích cho việc đánh giá năng lực thực sự của học sinh về kỹ năng xây dựng văn bản, kỹ năng khái quát, tổng hợp, kỹ năng sáng tạo, càng không có kỹ năng nhận thức, đánh giá về một vấn đề hiện thực xã hội đương đại qua đó bộc lộ nhân cách, khát vọng sống, khát vọng cống hiến,... của tuổi trẻ.
Thế hệ chúng tôi đã từng trải qua những kỳ thi tốt nghiệp, kỳ thi đại học với những đề thi văn dạng mở. Những đề thi như thế hạn chế tối đa việc sử dụng tài liệu hay chép theo văn mẫu. Nó đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học; phải có năng lực sáng tạo và kỹ năng xây dựng văn bản; phải biết cách giải quyết vấn đề mà đề bài đặt ra.
Đó cũng chính là yêu cầu thiết yếu của cuộc sống đòi hỏi thế hệ trẻ phải tự trang bị được cho mình sau 12 năm đèn sách trước khi bước chân vào đời.
Nguyễn Duy Xuân